Chỉ số hàng hóa MXV-Index tăng phiên thứ ba

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong ngày hôm qua (8/5). Tuy nhiên lực mua mạnh trên nhóm năng lượng đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index nối dài đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 0,78% lên 2.245 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.500 tỷ đồng.

Chú thích ảnh

Quặng sắt bật tăng 4%

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 08/05, bạc là mặt hàng kim loại duy nhất kết phiên trong sắc đỏ. Đối với nhóm kim loại quý, trong khi giá bạc giảm phiên thứ hai liên tiếp xuống 25,83 USD/ounce, tương ứng với mức giảm 0,37% so với phiên cuối tuần, thì vàng và bạch kim đều ghi nhận đà tăng giá. Cụ thể, giá vàng tăng 0,24% lên 2.021,39 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,82% lên 1.087 USD/ounce.

Đà tăng của kim loại quý bắt đầu chững lại khi tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế phần nào được xoa dịu bởi dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ công bố vào cuối tuần trước. Điều này khiến giá bạc gặp áp lực bán nhẹ khi đang ở vùng giá cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Tuy nhiên, mức giảm của bạc không quá mạnh, trong khi các kim loại quý khác vẫn đón nhận lực mua nhất định, phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trong bối cảnh còn nhiều biến động vĩ mô.

Dữ liệu cho thấy 46% ngân hàng đã thắt chặt các điều khoản tín dụng đối với một loại khoản vay kinh doanh trung bình, cao hơn con số 44,8% trong khảo sát tháng 1 đầu năm. Mặc dù tâm lý đã được cải thiện sau dữ liệu lao động, nhưng niềm tin đối với hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng, bên cạnh rủi ro về trần nợ tại Mỹ khiến dòng tiền đầu tư tương đối phân tán.

Chú thích ảnh

Đối với nhóm kim loại cơ bản, kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ gia tăng tại Trung Quốc đã thúc đẩy giá đồng và quặng sắt kết phiên trong sắc xanh. Giá đồng COMEX tăng 1,20% lên 3,92 USD/pound, ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp.

Trong bối cảnh thị trường chưa chắc chắn về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, các ngân hàng của Trung Quốc mới đây đã cắt giảm lãi suất huy động, nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê của Bloomberg, có ít nhất ba ngân hàng của Trung Quốc bao gồm China Zheshang Bank, Hengfeng Bank và China Bohai Bank đã hạ lãi suất tiền gửi, thậm chí họ đã hạ lãi suất tiền gửi tới 30 điểm cơ bản đối với một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm là 1,85%, giảm từ mức 1,95%, lãi suất tiền gửi 3 năm và 5 năm là 2,95% giảm lần lượt từ 3,2% và 3,25%.

Động thái này có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất tăng tốc và làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng kim loại cơ bản chủ chốt là đồng và quặng sắt, hỗ trợ cho giá.

Với quặng sắt, động thái hạ lãi suất của các ngân hàng Trung Quốc làm gia tăng kỳ vọng tiêu thụ đã giúp giá quặng sắt phục hồi, do giá sắt thép thường nhạy cảm với các kích thích kinh tế, nhờ vai trò quan trọng trong đầu tư xây dựng. Kết phiên, giá sắt đã lấy lại mốc 100 USD/tấn sau ba phiên giảm liên tiếp, chốt phiên tại mức 105,45 USD/tấn, sau khi tăng vọt 6,76%.

Tuy vậy, lo ngại chính sách hạn chế sản lượng thép có thể khiến nhu cầu sắt giảm đã khiến giá quặng sắt thu hẹp đà tăng trong nửa phiên sau. Theo Hãng tin Reuters, các nhà sản xuất thép ở quận Fengnan của tỉnh Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc, đã chính thức đưa ra kế hoạch sản xuất thép phù hợp với chính sách hạn chế sản lượng thép của Chính phủ trong năm nay.

Giá dầu tăng 2%

Thị trường dầu tiếp tục duy trì được sắc xanh phiên thứ ba liên tiếp, với giá dầu thô WTI tăng 2,55% lên 73,16 USD/thùng, và hợp đồng dầu thô Brent tăng 2,27% lên 77,01 USD/thùng.

Chú thích ảnh

Sức mua được gia tăng nhờ tâm lý tích cực của các nhà đầu tư sau khi các số liệu việc làm tích cực của Mỹ được công bố vào cuối tuần trước. Thị trường đã bớt lo lắng về một cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng sẽ dẫn đến suy thoái và ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Đồng thời, sức mua bắt đáy cũng xuất hiện khi đà giảm mạnh của giá dầu trong ba tuần trở lại đây.

Giá dầu cũng hồi phục tích cực trong bối cảnh gián đoạn nguồn cung tại Canada. Cụ thể, do sự cố cháy rừng mà, một số công ty sản xuất dầu ở Alberta, nơi cung cấp 80% sản lượng dầu của Canada, phải ngừng hoạt động và làm cho sản lượng của nước này giảm 150.000 thùng/ngày. Bên cạnh đó, theo Bloomberg, số lượng dầu thô tại các tàu chở dầu cố định trên toàn thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2.

Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất các lệnh trừng phạt bổ sung đối với các tàu vận chuyển dầu trên đường biển của Nga, khi nước này tiếp tục tìm cách bán dầu và vi phạm các lệnh trừng phạt trước đó.

Về yếu tố tiêu thụ, giá xăng và dầu diesel đang tăng trong thời gian gần đây cũng thúc đẩy giá dầu thô tăng. Kỳ vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Mỹ trong đợt lái xe cao điểm vào mùa hè sắp tới đang trở thành động lực tăng trưởng với thị trường đầu. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu đối với xăng ở Mỹ có thể chạm mức 9,09 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn 6% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư sẽ đón nhận các số liệu xuất khẩu của Trung Quốc cùng với báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của EIA. Đây là các tin tức được dự báo sẽ có ảnh hưởng đáng kể lên giá dầu.

Thị trường dầu thô xu hướng hồi phục

Theo MXV, giá dầu đang có xu hướng phục hồi trở lại, với dầu WTI hiện đã quay trở lại ngưỡng trên 70 USD/thùng sau khi rơi xuống vùng giá thấp nhất kể từ giữa tháng 3 năm nay. Lo ngại về suy thoái kinh tế phần nào được xoa dịu, cải thiện kỳ vọng về nhu cầu dầu thô và hỗ trợ cho giá.

Giai đoạn tháng 6, tháng 7 sắp tới là mùa lái xe cao điểm của Mỹ, dự kiến sẽ là yếu tố củng cố cho xu hướng phục hồi của giá dầu. Nhóm nước OPEC cũng chính thức tiến hành cắt giảm sản lượng theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 5 này, nên nguồn cung sẽ hạn chế hơn. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của giá dầu nhiều khả năng sẽ chưa quá mạnh, do tăng trưởng kinh tế vẫn tương đối yếu tại Mỹ và Châu Âu đang là rào cản lớn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng với mọi hàng hóa, dịch vụ
Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng với mọi hàng hóa, dịch vụ

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký tờ trình gửi Quốc hội với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm 2023 với mọi hàng hóa, dịch vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN