Chênh lệch giá SJC và thế giới quá lớn, chứng khoán hướng mốc 1.400 điểm

Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới hiện khoảng 9 triệu đồng/lượng, có thời điểm lên tới gần 10 triệu đồng/lượng. Còn phiên giao dịch chứng khoán đầu tuần chiều 11/10 cũng khiến nhiều người bất ngờ khi VN-Index tăng mạnh 21 điểm, tiến gần tới vùng 1.400 điểm.

Chú thích ảnh
Sau khi nới lỏng giãn cách, nhu cầu giao dịch vàng miếng của người dân tăng mạnh.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới giao ngay tại Mỹ tăng 1,7 USD lên 1.757,1 USD/ounce, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (gồm thuế, phí gia công), tính đến chiều 11/10, giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới là 9 triệu đòng/lượng, có thời điểm là gần 10 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước phiên ngày 11/10 giao dịch với xu hướng tăng tuần thứ 3 liên tiếp. Hầu hết doanh nghiệp đã điều chỉnh giá mua - bán vàng so với cuối tuần trước khiến giá vàng đã chạm mốc 58 triệu đồng/lượng, có nơi giao dịch vượt mốc 58 triệu đồng/lượng, cao nhất kể từ trung tuần tháng 8/2020.

Vào lúc 15 giờ 40 phút chiều 11/10, giá vàng SJC tiếp tục bám sát mốc 58 triệu đồng/lượng. Cụ thể: Tại hệ thống Doji, SJC mua vào – bán ra là 57 - 57,90 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng bán ra; ở Phú Quý, SJC giao dịch 57,35 – 57,90 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua và bán ra. 

Nếu như trưa 11/10, SJC giao dịch tại Công ty SJC ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vượt mốc 58 triệu đồng/lượng thì tới chiều 11/10, giá vàng SJC bán ra ở mức 57,95 – 57,97 triệu đồng/lượng. Tương tự tại Doji, VietinBank Gold, giá vàng bán ra dao động 57,90 – 57,97 triệu đồng/lượng. Đặc biệt tại ngân hàng Maritime Bank, giá vàng vượt mốc 58 triệu đồng/lượng trong khi giá mua vào là 56,85 triệu đồng/lượng. 

Trước đó, diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại hệ thống (PNJ khi doanh nghiệp này tăng giá bán vàng miếng lên 58 triệu đồng/lượng trong sáng 11/10, cao hơn 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá mua vào tại đây cũng được tăng thêm tương ứng, hiện phổ biến ở 57,3 triệu đồng. Nếu tính trong 2 tuần gần nhất, giá vàng miếng do PNJ bán ra đã tăng gần 1 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 11/10, ông Trần Xuân Dũng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý cho biết: “Giá vàng tăng do nguồn cung và cầu chưa liên thông. Sau thời gian dài giãn cách xã hội, giao thương khó khăn, chuyến bay di chuyển giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị đứt quãng khiến việc mua, bán vàng khó khăn…Vì vậy sau khi nhiều tình, thành phố mở cửa trở lại, giá vàng miếng đã tăng mạnh 2 tuần trở lại đây”.

Theo ông Trần Xuân Dũng, hiện người dân mua vàng SJC tích trữ nhiều hơn là bán ra. Với mức chênh giá vàng trong nước và thế giới lên tới 9 - 10 triệu đồng/lượng như hiện nay thì việc mua vàng để đầu tư, tích trữ là khá rủi ro. Cũng có tâm lý một số người nghĩ rằng, thời điểm này tương tự như năm 2020 và kỳ vọng, giá vàng SJC sẽ có lúc lên tới đỉnh điểm là 62 triệu đồng/lượng nêm muốn “ôm vàng”. Tuy nhiên thời điểm này năm ngoái, giá vàng thế giới ở mức khá cao gần 2.000 USD/ounce, trong khi hiện nay giá vàng thế giới vẫn giữ xu hướng đi ngang quanh vùng 1.760 USD/ounce.

Diễn biến trái chiều của thị trường vàng trong nước và thế giới khiến chênh lệch khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank được nới rộng. Cách đây 1 tháng, giá mỗi lượng vàng trong nước cao hơn thế giới 8 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng: Giá vàng SJC sẽ tiếp tục được giữ ở mức cao và khó thu hẹp khoảng cách với giá thế giới, trong điều kiện chi phí giá vốn bình quân của các doanh nghiệp vàng tăng đáng kể sau những tháng giãn cách; nguồn cung vàng hạn chế và người dân cũng không bán vàng ra nhiều.

*Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán chiều 11/10, VN-Index tiến sát mốc vùng 1.400 điểm, trong khi đó, VN30-Index tăng tới gần 34 điểm, lấy lại được mốc 1.500 điểm sau gần 3 tháng nỗ lực.

Chú thích ảnh
Thị trường chứng khoán tăng "bùng nổ", vượt qua đỉnh cao tháng 8/2021. 

Theo đó, VN-Index tăng 21,36 điểm (1,56%) lên 1.394,09 điểm. Toàn sàn HoSE có 221 mã tăng giá, 48 mã đứng giá tham chiếu và 188 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức khá, đạt 20.886 tỷ đồng. Chỉ số VN30-Index trong phiên chiều 11/10 tăng mạnh gần 34 điểm lên 1.510 điểm, vượt được ngưỡng 1.500 điểm sau gần 3 tháng nỗ lực hồi phục.

Tương tự phiên sáng 11/10, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng tăng “bùng nổ”, chiếm hơn 30% vốn hoá thị trường, nhóm này đã góp 11,5 điểm cho đà tăng của VN-Index. Trên sàn HoSE không có cổ phiếu nào giảm điểm, 26/27 cổ phiếu tăng giá, chỉ có SSB là đứng giá tham chiếu. Đa phần các cổ phiếu đều tăng mạnh trên 2%, trong đó phải kể đến CTG và HDB tăng 5,3%; TCB tăng 4,5%, MBB tăng 4%...Đặc biệt "tân binh" chuyển sàn SHB tăng 4,8% trong ngày đầu chào sàn HoSE. SHB cũng là cổ phiếu có giá trị giao dịch nhiều nhất HoSE, đạt hơn 1.509 tỷ đồng (50,6 triệu cổ phiếu). Nhóm cổ phiếu họ Vingroup gồm VIC, VHM và VRE tăng mạnh như: VIC tăng 2,9%, VHM tăng 1,4% còn VRE tăng 4,5%...

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 2,42 điểm (0,65%) lên 374,34 điểm. UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (0,51%) lên 98,8 điểm. UPCoM-Index tăng 0,47% lên 98,76 điểm. Thanh khoản tăng đáng kể, giá trị khớp lệnh trên HoSE tăng khoảng 21% so với phiên trước, đạt hơn 21.300 tỷ đồng. Trong phiên ngày 11/10, khối ngoại bán ròng 2.135 tỷ đồng, giá trị tăng đột biến liên quan vì giao dịch của MML (2.549 tỷ đồng).

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Giá vàng sáng 11/10 sát mốc 58 triệu đồng/lượng
Giá vàng sáng 11/10 sát mốc 58 triệu đồng/lượng

Sáng 11/10, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp giữ ổn định so với chốt phiên cuối tuần qua. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN