Toàn cảnh một nhà máy lọc dầu ở cảng Jubail, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thị trường năng lượng trồi sụt thất thường trong suốt tuần qua, chủ yếu do tình trạng bất ổn của nguồn cung, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế tại châu Á “bị mây đen che phủ” vì cuộc tranh chấp thương mại leo thang giữa các nước với Mỹ.
Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia đã tăng khoảng 700.000 thùng/ngày từ tháng Năm và tiến gần mức cao kỷ lục 10,72 triệu thùng/ngày hồi tháng 11/2016. Sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng khoảng 320.000 thùng/ngày trong tháng 6. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga ngày 2/7 cho biết sản lượng “vàng đen” của nước này tăng lên 11,06 triệu thùng/ngày trong tháng 6, so với mức 10,97 triệu thùng/ngày trong tháng 5.
Tuy nhiên, Libya vừa mới tuyên bố tình trạng bất khả kháng về việc xuất khẩu dầu từ hai cảng quan trọng của đất nước này, dẫn đến sụt giảm sản lượng khoảng 850,000 thùng/ngày do đóng cửa các cảng và bãi khai thác phía Đông. Còn tại Iran, các biện pháp trừng phạt của Mỹ tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dầu của nước này, qua đó thu hẹp nguồn cung dầu toàn cầu. Tổng thống Iran Hassan Rouhani mới đây tuyên bố rằng Tehran sẽ ngăn cản các nước trong khu vực xuất khẩu dầu nếu Washington tiếp tục gây sức ép tất cả các nước ngừng mua dầu của Iran.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/7, giá hai loại dầu chủ chốt là WTI và Brent biến động ngược chiều, song đều ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong ba tuần.
Kết thúc phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8/2018 tăng 86 xu Mỹ (1,2%), lên 73,80 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Chín lại giảm 28 xu Mỹ (0,4%), xuống 77,11 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, dầu WTI và Brent lần lượt giảm 0,5% và 2,7%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kêu gọi OPEC nên hạ giá dầu, sau khi mặt hàng này đã chạm mức cao nhất kể từ đầu năm 2018 trong vài tuần qua do sự gián đoạn nguồn cung và những nỗ lực của OPEC nhằm giảm tình trạng dư cung, vốn đẩy giá dầu trượt dốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đại diện Iran tại OPEC, Hossein Kazempour Ardebili, ngày 5/7 cho rằng, giá dầu sẽ sớm chạm mức 100 USD/thùng bởi vì sự gián đoạn nguồn cung là do Mỹ gây ra.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng leo thang sau khi chính quyền Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD đã chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 6/7 giờ Mỹ (11 giờ 01 phút giờ Hà Nội). Đây được xem là bước đi đầu tiên có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại toàn cầu, qua đó có thể gây sức ép giảm lên giá dầu bởi triển vọng về nhu cầu tiêu thụ giảm.
Báo cáo cùng ngày từ Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nguồn cung dầu tăng trở lại, khi cho hay số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã tăng 5 giàn ,lên 863 giàn, ghi dấu tuần tăng đầu tiên sau hai tuần giảm liên tiếp.