Đợt cắt giảm đầu tiên trong bốn năm đã đưa lãi suất chuẩn tại Mỹ xuống phạm vi mục tiêu từ 4,75-5%, báo hiệu khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát lạm phát. Điều này ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và Thái Lan, nơi lãi suất thường biến động theo các quyết định của Fed, do sự phụ thuộc về kinh tế cũng những lo ngại về biến động tiền tệ.
Quyết định của Fed được coi là tia hy vọng đối với các nền kinh tế này, đặc biệt sau giai đoạn khó khăn do nhu cầu toàn cầu giảm sút vì đại dịch COVID-19 cùng các xung đột dai dẳng. Lãi suất Fed thấp hơn có thể kích thích kinh tế toàn cầu, tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu như dệt may hay điện tử.
Tuy nhiên, động thái của Fed mang đến cả cơ hội và thách thức. Tác động tức thời là đồng rupiah của Indonesia và baht Thái tăng so với USD. Trong phiên sáng ngày 15/10, đồng rupiah Indonesia tăng 0,17% lên 15.581,1 rupiah đổi 1 USD. Đồng baht Thái cũng tăng 0,38% lên 33,376 baht đổi 1 USD. Các tác động này có thể lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều ngành, từ sản xuất chế tạo đến du lịch.
Dù điều này có lợi cho các nhà nhập khẩu nhờ giúp giá đầu vào đi xuống, nó lại gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu. Đồng nội tệ mạnh hơn đồng nghĩa lợi nhuận của các nhà xuất khẩu sẽ thấp hơn khi chuyển đổi từ đồng bạc xanh. Tuy nhiên, nhà kinh tế Erica Tay tại ngân hàng Maybank chỉ ra xu hướng tăng giá tiền tệ này cũng ảnh hưởng đến một loạt đồng tiền châu Á, gồm ringgit của Malaysia, SGD của Singapore và nhân dân tệ của Trung Quốc. Diễn biến này có thể giảm thiểu bất lợi cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu Thái Lan.
Hai quốc gia Đông Nam Á đã có những phản ứng khác nhau trước quyết định của Fed. Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã chủ động cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống 6% chỉ vài giờ trước thông báo của Fed. Đây là lần giảm lãi suất đầu tiên của BI kể từ tháng 2/2021, phản ánh xu hướng bám sát chính sách Fed của BI sau khi họ đã điều chỉnh lãi suất theo ngân hàng trung ương Mỹ vào cả năm 2019 và 2022.
Lập trường chủ động của BI được các nhà kinh tế và doanh nghiệp hoan nghênh. Các chuyên gia như David Sumual của Bank Central Asia (BCA) và Dian Ayu Yustina của ngân hàng Bank Mandiri nhấn mạnh sự liên kết giữa kinh tế toàn cầu và Indonesia, nêu bật tác động tích cực tiềm năng của việc cắt giảm lãi suất đối với thương mại và đầu tư của quốc gia Đông Nam Á này.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn thận trọng. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) dự kiến giữ nguyên lãi suất hiện tại ở mức 2,5% đến năm 2025 bất chấp áp lực trong nước về việc cắt giảm lãi suất giữa bối cảnh kinh tế trì trệ, khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nợ tiêu dùng tăng lên mức đỉnh của 15 năm - tương đương 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chuyên gia Wilasinee Siriboonpipattana của công ty tư vấn Mintel Consulting cảnh báo mặc dù cắt giảm lãi suất có thể giúp việc cho vay dễ dàng hơn và kích thích chi tiêu. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các điểm yếu tài chính hiện có của Thái Lan.
Dù Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan kêu gọi cắt giảm lãi suất để kích thích đầu tư, BoT vẫn lo ngại về khả năng điều đó làm trầm trọng thêm vấn đề nợ nần. Đã xuất hiện những đồn đoán BoT sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 16/10, có thể do mong muốn của Chính phủ Thái Lan nhằm giảm áp lực nợ và tài trợ cho chương trình ví điện tử. Tuy nhiên, các nhà phân tích như bà Tay của Maybank dự đoán BoT sẽ duy trì cách tiếp cận thận trọng và chỉ đưa ra một đợt giảm 25 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2025.
Quyết định chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đều ảnh hưởng đến thị trường nhà đất và ô tô. Tại Indonesia, việc cắt giảm lãi suất có thể hỗ trợ người đi vay, đặc biệt là người có thế chấp, với kỳ vọng khoản trả nợ thấp hơn và thu nhập khả dụng tăng. Thị trường nhà đất vốn phụ thuộc nhiều vào thế chấp (74% giao dịch bất động sản tại Indonesia thông qua thế chấp) cũng có thể hưởng lợi. Tương tự, các giao dịch mua bán dựa trên tín dụng trong ngành công nghiệp ô tô nước này dự kiến cũng được hưởng lợi.
Trong khi đó, tại Thái Lan, thị trường nhà đất nước này tiếp tục gặp khó khăn. Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn dự báo mức tăng trưởng thế chấp mua nhà tại đây sẽ xuống mức thấp nhất trong 23 năm, phản ánh sự miễn cưỡng của giới trẻ Thái Lan đối với các khoản vay thế chấp trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Tác động dài hạn của quyết định của Fed vẫn chưa chắc chắn, và người dân Indonesia và Thái Lan đều lo lắng về tương lai. Mặc dù việc cắt giảm lãi suất có thể mang lại một số tác động tích cực, nhưng những tác động này dự kiến sẽ diễn ra từ từ. Lãi suất thế chấp có thể chưa giảm ngay, phải mất ít nhất 2-3 tháng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải linh hoạt ứng phó, nhất là khi Fed có thể tiếp tục hạ lãi suất trong năm 2024.
Theo phân tích của hãng tin Bloomberg, 29% các nhà giao dịch tham gia khảo sát dự đoán Fed sẽ cắt giảm thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 11. Cơ quan xếp hạng tín dụng của Mỹ Fitch Ratings cũng dự kiến Fed sẽ thực hiện bốn lần điều chỉnh lãi suất cho đến năm 2025.
Chuyên gia David từ BCA tin rằng nếu Fed làm như vậy, BI và BoT cũng sẽ nối bước. Và nếu việc cắt giảm lãi suất diễn ra dần dần, nó sẽ có lợi cho các tài sản thuộc danh mục đầu tư của các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, đó có thể là tin xấu nếu Fed cắt giảm lãi suất mạnh và nhanh, vì điều đó đồng nghĩa kinh tế Mỹ đang trong khủng hoảng hoặc suy thoái.
Nhìn chung, ngân hàng trung ương Indonesia và Thái Lan vẫn phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa các mối quan tâm kinh tế trong nước với bối cảnh toàn cầu đang diễn biến ngày một khó lường. Đây sẽ là một bài toán khó không chỉ với hai quốc gia Đông Nam Á mà còn cả những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác.