Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 3,2% trong tuần qua, mức tăng tính theo phần trăm mạnh nhất kể từ cuối tháng 4/2024. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones khép lại tuần này giảm 0,5%.
Phiên cuối tuần 14/6, các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi số liệu kinh tế hạ nhiệt và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp mới đây.
Chốt phiên, chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm nhẹ, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng lên mức cao kỷ lục năm phiên liên tiếp.
Chỉ số Dow Jones giảm 57,94 điểm, hay 0,15%, xuống 38.589,16 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 2,14 điểm, hay 0,04%, xuống 5.431,6 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 21,32 điểm, hay 0,12%, lên 17.688,88 điểm.
Trước đó, trong phiên 13/6, cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới trong 4 phiên liên tiếp, tương ứng là 5.433,74 điểm và 17.667,56 điểm, khi giới giao dịch phản ứng với nguy cơ bất ổn chính trị ở châu Âu và kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite trong phiên 12/6 lập kỷ lục mới sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất. Chốt phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 0,9% lên 5.421,03 điểm, chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,5% lên 17.608,44 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones giảm 0,1% xuống 38.712,21 điểm.
Còn trong các phiên đầu tuần này, những chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi giới đầu tư ngóng chờ thông tin từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed.
Kết thúc cuộc họp mới đây, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại 5,25%-5,50%. Fed cũng hạ dự báo cắt giảm lãi suất xuống một lần duy nhất trong năm nay thay vì 3 lần như dự báo trước đó đưa ra vào tháng 3/2024. Động thái này có thể sẽ làm thất vọng các thị trường, vốn cho rằng Fed sẽ thực hiện ít nhất 2 đợt cắt giảm lãi suất sau khi một báo cáo đáng khích lệ công bố ngay trước đó cho thấy lạm phát tại Mỹ đã chậm lại hơn dự kiến.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thừa nhận đã đạt được một số thành tựu trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát kéo dài ba năm qua. Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết trong những tháng gần đây họ đã ghi nhận thêm tiến bộ khiêm tốn hướng tới mục tiêu lạm phát 2%.
Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tại nước này tiếp tục giảm trong tháng trước, một số liệu tích cực ngay trước khi Fed công bố quyết định lãi suất.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,3% trong tháng 5/2024 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với tháng trước và vượt kỳ vọng của các kinh tế gia. Tốc độ tăng giá chậm lại đáng kể so với mức đỉnh khoảng 9% vào năm ngoái, nhưng lạm phát vẫn cao hơn so với mục tiêu 2% của Fed.
Những số liệu kinh tế cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt nhanh hơn dự báo của các nhà phân tích, tạo tiền đề để Fed cân nhắc lại về thời điểm và số lần hạ lãi suất trong năm nay.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland, Loretta Mester, cho rằng lạm phát giảm gần đây là đáng hoan nghênh sau khi chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá của nhà sản xuất được công bố trong tuần qua thấp hơn nhận định của giới phân tích.
Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Chicago, Austan Goolsbee, cho rằng cần có thêm những tiến triển tương tự trong nhiều tháng hơn, trước khi Fed hạ lãi suất.
Chuyên gia Art Hogan của công ty quản lý tài sản B Riley Wealth Management đánh giá báo cáo lạm phát mới của Mỹ là tín hiệu tích cực, đồng thời cho rằng các nhà đầu tư sẵn lòng giảm bớt kỳ vọng vào chính sách cắt giảm lãi suất.