Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP

Nhằm nhìn nhận rõ hơn tác động của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới, ngày 30/9, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã tổ chức Đối thoại chuyên đề: “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN

Theo Bộ Tài chính, trong nhiều năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp từng bước phát triển theo đúng định hướng, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, bình quân khoảng 467 nghìn tỷ đồng/năm.

Riêng năm 2021, từ khi triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, mặc dù có giảm trong các tháng đầu sau khi áp dụng quy định mới nhưng thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, với khối lượng phát hành đạt kỷ lục 637 nghìn tỷ đồng, đưa quy mô thị trường xấp xỉ 15% GDP. 

Tuy nhiên, đi kèm với con số ấn tượng nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, thị trường cũng tồn tại nhiều hiện tượng thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, từ năm 2019, thị trường có sự phát triển rất nhanh. Trong quá trình phát triển đó cho thấy những rủi ro mới phát sinh của thị trường. Theo đó, có nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, quy mô vẫn phát hành được, thông qua việc đẩy lãi suất phát hành tăng lên để thu hút đối tượng nhà đầu tư. 

Tiếp theo, mặc dù hạn chế các nhà đầu tư chứng khoán cá nhân tiếp cận kênh trái phiếu doanh nghiệp thế nhưng vẫn có một bộ phận rất lớn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và phát sinh những rủi ro cho chính những nhà đầu tư đó.

Cùng với đó, rủi ro thông tin khi công ty, tổ chức trung gian làm tư vấn phát hành, trung gian tài chính không thực sự trung thực khi cung cấp dịch vụ, để thông tin đến với nhà đầu tư không đầy đủ.

Trước thực trạng này, cơ quan quản lý đã mạnh tay chấn chỉnh lại kỷ cương thị trường thông qua khởi tố một số vụ án như Tân Hoàng Minh. Đặc biệt, tính từ tháng 10/2021 đến nay, Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra 9 tổ chức phát hành có mức độ rủi ro cao thì có tới 8 tổ chức vi phạm; kiểm tra 21 công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành riêng lẻ thì có 6 trường hợp vi phạm.

Song song với các đợt cao điểm thanh, kiểm tra, Bộ Tài chính cũng tiến hành dự thảo sửa đổi Nghị định 153/NĐ-CP quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Qua hơn một năm tiến hành sửa đổi, với 7 phiên bản dự thảo, ngày 16/9, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ.  

Chia sẻ thêm về 65/2022/NĐ-CP, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay, về điều kiện và hồ sơ phát hành, các điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được quy định ở Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, 65/2022/NĐ-CP chỉ điều chỉnh một số quy định về hồ sơ, để đảm bảo tăng tính minh bạch của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng tính tiếp cận thông tin của chủ thể phát hành và của nhà đầu tư. 

Liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, nghị định bổ sung các quy định để nâng cao trách nhiệm về nghĩa vụ công bố thông tin của nhà phát hành cho nhà đầu tư và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và các quy định khác. 

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải mua lại bắt buộc trái phiếu doanh nghiệp, nếu vi phạm phương án phát hành công bố cho nhà đầu tư. Ngoài ra, thông tin công bố cho nhà đầu tư phải minh bạch, phải trung thực, bao gồm cả quá trình trước khi phát hành và các nghĩa vụ về công bố thông tin sau khi phát hành trái phiếu.

Tài sản đảm bảo đối với những trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc trái phiếu được bảo lãnh phải được định giá và phải đăng kí biện pháp đảm bảo theo quy định. Các thông tin về doanh nghiệp, thông tin về công bố tình hình tài chính của doanh nghiệp, thông tin về việc thực hiện của doanh nghiệp. Nếu có vấn đề gì sai bị phát hiện được trong quá trình triển khai, HNX sẽ đưa lên chuyên trang thông tin để nhà đầu tư nắm được những thông tin cụ thể hơn về doanh nghiệp.

Cũng theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tinh thần của 65/2022/NĐ-CP là mục đích của cơ quan quản lý nhà nước hướng tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng và thị trường vốn nói chung ngày càng chất lượng hơn và bền vững hơn.

Có 3 điểm quan trọng theo ông Quỳnh, đối với tất cả chủ thể tham gia thị trường phải bổ sung cơ chế chính sách để nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch và tự chịu trách nhiệm trong việc tham gia thị trường gồm: tổ chức phát hành, nhà đầu tư, tổ chức trung gian và cơ quan quản lý.

"Tôi nghĩ, các điểm sửa đổi trong 65/2022/NĐ-CP đã khắc phục được rất nhiều điểm mà trước đây chưa rõ trong Nghị định 153/NĐ-CP. Đó là quy định trách nhiệm đối với chính bản thân nhà đầu tư, tức khi tham gia thị trường phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin. Theo đó, không phải chỉ gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư mà còn gắn với trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu cũng như đại lý phát hành, xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp. Việc sửa đổi 65/2022/NĐ-CP lần này đã đưa phát hành riêng lẻ về đúng bản chất, đặc biệt tăng tính chuyên nghiệp, tính tự chịu trách nhiệm của các thành phần tham gia thị trường", ông Quỳnh nói.

Để đáp ứng tốt nhất những quy định mới tại 65/2022/NĐ-CP, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, xuyên suốt nghị định là các quy định để tăng tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành phải công bố đầy đủ thông tin, có trách nhiệm công bố một thông tin một cách chính xác cho nhà đầu tư. 

Liên quan trực tiếp đến trong quá trình làm chính sách, phản ứng bước đầu là rất tốt, nhưng những gì phát sinh, những tồn tại của thị trường trong thời gian vừa qua chủ yếu liên quan nhiều đến khâu thực thi chính sách. Các đối tượng tham gia thị trường chưa thực sự tuân thủ quy định của pháp luật, dẫn đến những rủi ro, những hạn chế của thị trường cơ quan quản lý Nhà nước phải ứng phó bằng những giải pháp về chính sách mạnh mẽ hơn. 

Chính vì vậy, các chủ thể tham gia thị trường phải nâng cao tính tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần làm cho thị trường minh bạch hơn và đạt được đến những điểm chung. Đó là phát triển thị trường của trái phiếu Việt Nam ngày càng minh bạch, hiệu quả và tạo thành kênh huy động vốn trung, dài hạn đắc lực của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp phát hành phải tuân thủ quy định của pháp luật, quy định về công bố thông tin cho nhà đầu tư; đưa cho nhà đầu tư các thông tin chính xác nhất về phương án phát hành cũng như các rủi ro nhà đầu tư có thể gặp phải khi đầu tư trái phiếu. Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ phải cung cấp những dịch vụ minh bạch và có đạo đức nghề nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ này.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, để kéo vốn từ kênh trái phiếu chảy được vào các doanh nghiệp chế biến chế tạo cần có kỳ hạn trái phiếu dài và lãi suất thấp.

Muốn như vậy phải có 3 điều kiện tiên quyết, gồm: phát hành ra công chúng phải mạnh. Cùng đó, có hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách quan và chuẩn xác, cũng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó là thị trường thứ cấp bởi, không có thị trường thứ cấp sẽ không kéo dài được kỳ hạn.

Đức Dũng (TTXVN)
Nghị định 65 giúp khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Nghị định 65 giúp khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN