Năm 2020, dự toán thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) do Quốc hội phê duyệt là 1.512,3 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi là 1.747,1 nghìn tỷ đồng. Bội chi Ngân sách Trung ương (NSTW) là 217,8 nghìn tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương 17 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của (NSTW và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của Ngân sách địa phương (NSĐP) để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN trong phạm vi 3,44% GDP, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, để giảm bội chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu đến cuối năm 2020, dư nợ công không quá 54,3%GDP, nợ Chính phủ không quá 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45,5% GDP.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2020, bên cạnh những thuận lợi, dự báo cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, có thể tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN. Do đó, cần sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Tài chính nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra.
Báo cáo trước Quốc hội và Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.
Năm 2020, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng, chống xói mòn cơ sở thuế, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; không ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp điều chỉnh chính sách thu theo cam kết hội nhập; đồng thời, phấn đấu tăng thu NSNN năm 2020 trên 3% so với dự toán Quốc hội đã quyết định.
Bên cạnh giải pháp về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường quản lý giá, thị trường, kiểm soát lạm phát; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính, đa dạng các định chế tài chính, tổ chức dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm; tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII).
Năm 2020, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên,..; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán; tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế; điều hành ngân sách trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và xử lý tiếp các nhiệm vụ của năm 2019.
Tính đến cuối năm 2019, thu cân đối NSNN đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng (tăng 9,79%) so với dự toán, tăng 92,2 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, tăng 8,7% so với thực hiện năm 2018.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến, ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên trên 82% năm 2019; tỷ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 3,6% năm 2019; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm từ mức 18,2% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 13,9% năm 2019.
Đối với điều hành chi NSNN, cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2019 đạt khoảng 27% tổng chi (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên còn khoảng 61% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%). Bội chi NSNN năm 2019 ước khoảng 3,4% GDP thực hiện (dự toán là 3,7% GDP). Việc phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc được thực hiện chủ động, phù hợp với khả năng ngân quỹ Nhà nước.
"Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của NSĐP; siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, góp phần giảm nợ công. Đến cuối năm 2019, dư nợ công dưới 55% GDP, nợ Chính phủ dưới 48,5% GDP (trong đó: nợ trong nước chiếm 62,3%, nợ ngoài nước chiếm 37,7%), nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP (Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ quy định các tỷ lệ nợ công và nợ nước ngoài Quốc gia các năm trong giai đoạn 2016 - 2020 tương ứng là không quá 65% GDP, không quá 54% GDP và không quá 50% GDP)”, đại diện Bộ Tài chính nói.