Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng mạnh trở lại gần 30% lên mức trên 5.600 tỉ đồng. Tính từ đầu tuần đến nay, tổng giá trị giao dịch đã vượt mức 20.000 tỉ, tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này với giới đầu tư trong nước do không chịu sự gián đoạn của các kỳ nghỉ Lễ.
Hai mặt hàng cà phê nối dài đà tăng với giá Arabica đóng cửa cao hơn 2,1% lên 243,9 cents/pound, giá Robusta cũng tăng 1,4% lên 2.234 USD/tấn. Thị trường đang dần hấp thụ tin tức nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới Brazil xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm mạnh còn 1,33 triệu bao, chỉ còn cách mức thấp nhất của năm 2020, thời điểm nguồn cung trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chưa đến 40 triệu bao. Nỗi lo về nguồn cung vẫn chưa hoàn toàn được giải toả trên thị trường cà phê và vẫn hỗ trợ cho giá đi Arabica đi lên.
Giá Robusta cũng nhận được lực mua nhất định trong phiên bởi các nhà đầu tư muốn giảm bớt sự chênh lệch giá ngày càng lớn giữa hai Sở. Ngoài ra, sự suy yếu của đồng USD trong phiên hôm qua cũng góp phần hạn chế sức bán. Chỉ số Dollar Index tiếp tục giảm về 95,4 điểm.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê hôm nay cũng được thu mua ở vùng giá cao hơn, nhờ sự hỗ trợ từ thị trường quốc tế.
Sắc xanh đã quay trở lại với thị trường bông và thị trường đường trong phiên hôm qua. Giá bông tăng 1% lên 127,6 cents/pound. Báo cáo Export Sales mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết doanh số bán ròng bông cho niên vụ 2021/22 của tuần trước là 332.100 kiện, giảm 15% so với tuần trước và tăng 10% so với mức trung bình của bốn tuần qua.
Nhà nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc, với 90.200 kiện, theo sau là Việt Nam với 58.700 kiện. Thông tin này đã khiến cho đà tăng của giá bị chững lại, và dù lực mua lớn hơn trong phiên hôm qua nhưng vẫn yếu và không đủ đưa giá vượt qua mức 128 cents.
Hợp đồng đường 11 tháng 3 tăng 0,33% lên gần 18 cents/pound, trong khi mức tăng 0,7% của hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn chưa đủ để giúp giá lấy lại mốc 500 USD/tấn. Đà tăng của giá chủ yếu nhờ vào lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ. Sức mua không quá đáng kể bởi triển vọng nguồn cung dồi dào của Ấn Độ. Nhà xuất khẩu đường số hai thế giới đã sản xuất 18,7 triệu tấn chất tạo ngọt trong 4 tháng đầu năm 2021/22, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ước tính của Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA), diện tích gieo trồng tăng 11% có thể giúp cho sản lượng đường của Ấn Độ trong niên vụ 2021/22 (tháng 10-9) dự kiến đạt tổng cộng 31,45 triệu tấn, tăng so với ước tính trước đó là 30,5 triệu tấn.