ASOSAI thúc đẩy chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực SAI thành viên

Theo đuổi sứ mệnh chung giống các Nhóm làm việc khu vực khác của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) thành lập năm 1979, hoạt động với tầm nhìn: “Các cơ quan kiểm toán tối cao chuyên nghiệp thúc đẩy quản trị nhà nước tốt” và giá trị cốt lõi: “Chuyên nghiệp, Hợp tác, Đồng đều, Sáng tạo”. Mục tiêu của ASOSAI là thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên thông qua việc trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công; cung cấp điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo và bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) chụp tại hội nghị ở Kuwait. Ảnh: Anh Tuấn/ PvTTXVN tại Trung Đông

Ủy ban Phát triển năng lực ASOSAI, được Ban điều hành ASOSAI thành lập vào năm 1995, là một cơ quan quan trọng trong tổ chức ASOSAI, có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đề xuất các hoạt động đào tạo, phát triển năng lực của ASOSAI; đồng thời giám sát, đánh giá chất lượng của các hoạt động phát triển năng lực của ASOSAI, báo cáo Ban điều hành ASOSAI hằng năm. KTNN Nhật Bản giữ vai trò là Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực ASOSAI từ năm 2000 đến nay. 

Các hoạt động tăng cường năng lực của ASOSAI chia thành 03 nhóm chính: Các hoạt động đào tạo liên quan tới học tập kiến thức và phương pháp kiểm toán cơ bản thông qua hình thức Hội thảo đào tạo (hay còn gọi là Hội thảo do ASOSAI tài trợ) với đối tượng nhằm vào các kiểm toán viên (cấp chuyên viên); Các hoạt động đào tạo liên quan tới chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thông qua hình thức Hội thảo chuyên đề dành cho các kiểm toán viên ở cấp quản lý; Các hoạt động đào tạo hợp tác với Cơ quan sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI) và các Đề án nghiên cứu của ASOSAI (đến nay đã hoàn thành 11 Đề án).

Để đảm bảo một trong những giá trị cốt lõi đề ra trong Kế hoạch chiến lược 2016-2021 của tổ chức về tăng cường nguồn nhân lực cho các SAI thành viên, từ năm 2017, hoạt động phát triển năng lực SAI thành viên tập trung vào các hoạt động phát triển năng lực toàn diện sử dụng Mô hình đào tạo đa phương pháp kết hợp giữa đào tạo trực tuyến (các khóa học trực tuyến, áp dụng công nghệ, mở rộng quy mô, đối tượng tham gia) và đào tạo trực tiếp (tổ chức cuộc họp, hội thảo,...). Bên cạnh đó, ASOSAI tăng cường cơ chế theo dõi, giám sát sự tiến bộ của thành viên tham gia đào tạo về kiến thức, kỹ năng học được và đánh giá các kết quả đạt được của chương trình; xây dựng một nhóm chuyên gia đào tạo của ASOSAI; đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả Trang thông tin điện tử của ASOSAI là diễn đàn kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trao đổi tài liệu chuyên môn giữa các SAI thành viên. Sự chuyển hướng này đã đem lại những kết quả tích cực trong nỗ lực phát triển nguồn nhân lực của cộng đồng ASOSAI.

Trong 03 năm vừa qua, ASOSAI đã đào tạo gần 1.000 lượt kiểm toán viên về những chủ đề kiểm toán đang được khu vực và thế giới quan tâm như kiểm soát chất lượng kiểm toán, kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và ứng dựng dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững. Không chỉ vậy, ASOSAI đã đào tạo và phát triển nhóm giảng viên nguồn được IDI chứng nhận để giảng dạy và đào tạo cho SAI thành viên theo từng lĩnh vực chuyên môn.

Đặc biệt, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt cuộc sống; trước những yêu cầu và thách thức mà công nghệ thông tin và cuộc cách mạng số 4.0 đặt ra đối với kiểm toán lĩnh vực công, các SAI thành viên ASOSAI xác định CNTT giữ vai trò nền tảng, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của quốc gia và là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc hiện đại hoá mọi mặt hoạt động của SAI. Vì vậy, chương trình phát triển năng lực ASOSAI chú trọng đào tạo về kiểm toán CNTT như Chương trình kiểm toán hợp tác về bảo vệ môi trường và Đề án nghiên cứu “Áp dụng phân tích dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường” của Nhóm công tác kiểm toán môi trường ASOSAI (ASOSAI WGEA); Chương trình phát triển năng lực về kiểm toán CNTT nhằm giúp các SAI thành viên thúc đẩy kiểm toán CNTT toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tận dụng lợi thế để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán công.

KTNN trở thành thành viên của ASOSAI từ năm 1997. Trong giai đoạn đầu phát triển từ 1997-2009, KTNN tham gia ASOSAI chủ yếu là cử công chức tham gia các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo do ASOSAI tài trợ để học tập, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực chuyên môn trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước và đăng cai tổ chức một số sự kiện của ASOSAI. Từ  2010 đến nay, bám sát định hướng tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã chủ động và tích cực tham gia sâu hơn vào các hoạt động chuyên môn của ASOSAI như là thành viên Nhóm Đề án nghiên cứu lần thứ 11 về Phương pháp xây dựng kế hoạch kiểm toán dựa trên rủi ro và Kiểm toán đầu tư theo hình thức đối tác công tư; thành viên Nhóm Đề án nghiên cứu lần thứ 12 của ASOSAI về Kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững; thành viên Nhóm công tác của Chương trình 3i của IDI-ASOSAI về hợp tác kiểm toán về quản lý thiên tai; Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường ASOSAI.

Các Nhóm công tác của KTNN đã đại diện KTNN tham gia các hoạt động chuyên môn do ASOSAI tổ chức chủ yếu thông qua các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị chuyên đề để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm quốc tế; thực hiện các cuộc kiểm toán thí điểm và kiểm toán hợp tác chung để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán theo từng lĩnh vực với các SAI thành viên khác; chủ động, tích cực góp ý vào các dự thảo tài liệu chuyên môn, xây dựng và trả lời các bảng câu hỏi, khảo sát của các tổ chức mà KTNN là thành viên. Sự tham gia của KTNN trong các Ban, nhóm công tác nêu trên ngày càng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Như vậy, với tư cách là thành viên chính thức của ASOSAI, KTNN có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm quốc tế tiên tiến, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển chung của KTNN theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam thông qua hình thành địa vị pháp lý, phát triển bộ máy tổ chức, hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, phương pháp kiểm toán và xây dựng đội ngũ kiểm toán viên.

Để KTNN thực hiện thành công vai trò là thành viên Ban điều hành ASOSAI xuyên suốt 03 nhiệm kỳ, trong đó là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cả về chất (chuyên môn và kỹ năng tiếng Anh) và lượng là một trong những điều kiện tiên quyết. Hiện nay, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Khung tăng cường năng lực và Quyết định kiện toàn Ban, nhóm công tác và Nhóm công chức nguồn tham gia hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN. Nhóm công chức nòng cốt này sẽ được nâng cao năng lực một cách toàn diện về chuyên môn kiểm toán, ngoại ngữ, kỹ năng tổ chức, điều hành sự kiện quốc tế,... sẵn sàng đáp ứng các nhiệm vụ được giao khi KTNN thực hiện vai trò là Chủ tịch và thành viên Ban điều hành ASOSAI; cũng như tham mưu và giúp KTNN từng bước áp dụng một cách phù hợp các chuẩn mực, phương pháp và kiến thức kiểm toán mới của INTOSAI, ASOSAI trong hoạt động quản lý và thực hiện kiểm toán./.

Ngành kiểm toán đẩy mạnh hợp tác liên khu vực
Ngành kiểm toán đẩy mạnh hợp tác liên khu vực

Từ ngày 21-24/7, tại thủ đô Kuwait City, Hội nghị Ban điều hành của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 54 đã chính thức diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018- 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN