Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ giá đồng loạt tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, đặc biệt khi tỷ giá NDT/USD xuyên ngưỡng mức 7 NDT/USD khiến thị trường ngoại hối có nhiều biến động mạnh.
Các chuyên gia của BVSC cho rằng, trong ngắn hạn, VND có thể sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ diễn biến giảm giá của đồng NDT, nhưng tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên Ngân hàng Nhà nước vẫn đang còn khá nhiều “dư địa” để điều hành trước diễn biến mới của đồng NDT.
BVSC cho rằng dù có thể chịu sức ép giảm giá theo NDT nhưng VND sẽ không giảm giá quá sâu (trên 3%) do Việt Nam lo ngại rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (CTS) cho rằng do không còn dư địa trong việc đánh thuế lên hàng xuất khẩu từ Mỹ, Trung Quốc sử dụng đến biện pháp phá giá đồng NDT để tạo thế cân bằng trong hoạt động xuất nhập khẩu song phương với Mỹ. Việt Nam là nước có quan hệ xuất nhập khẩu lớn với Trung Quốc vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia phân tích của CTS đưa ra hai kịch bản tỷ giá của đồng NDT và VND. Với kịch bản 1, nếu Mỹ giữ nguyên mức thuế với hàng hóa Trung Quốc như hiện nay thì khả năng 1 USD sẽ đổi được 7,13 NDT và khi đó tỷ giá VND/USD sẽ là 23.791 đồng. Còn theo kịch bản 2, nếu Mỹ đánh thuế 25% lên tổng cộng 540 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì 1 USD sẽ đổi được 7,58 NDT và tỷ giá VND/USD sẽ là 24.565 đồng.
Ở một góc nhìn khác, Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cho rằng Việt Nam cần hết sức bình tĩnh và không nên giảm giá đồng tiền, vì điều chỉnh tỷ giá liên quan đến nhiều mặt của nền kinh tế (không chỉ liên quan đến xuất khẩu, mà còn nhập khẩu, nợ nước ngoài, áp lực lạm phát…) và có thể tăng rủi ro bị Mỹ gắn thao túng tiền tệ. Thay vào đó, Việt Nam cần kiên định chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả nhằm kiểm soát yếu tố tâm lý, rủi ro lan truyền.
Tỷ giá đã có một đợt "dậy sóng" vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua. Tỷ giá trung tâm liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại cũng bất ngờ lên mức cao.
Nguyên nhân của "đợt sóng" này là do những thông tin về đàm phán thương mại Mỹ - Trung hối cuối tháng 4 làm gia tăng quan ngại thị trường về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực, đồng thời việc đồng NDT tiếp tục giảm giá đã tác động mạnh tới tâm lý thị trường ngoại tệ trong nước, từ đó gây áp lực tới tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó cũng khẳng định, nếu cần thiết cơ quan này sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ngay sau khi thông điệp này được phát đi, thị trường ngoại hối đã giảm nhiệt, giá USD tại các ngân hàng thương mại ngay lập tức được "ghìm cương."
Theo giới chuyên môn, những diễn biến bên ngoài thị trường quốc tế đang tạo áp lực lên chính sách tỷ giá trong nước. Tuy nhiên, điều hành tỷ giá vẫn đang trong tầm kiểm soát của nhà điều hành bởi chính sách tỷ giá đang được hỗ trợ tốt từ cơ chế tỷ giá trung tâm và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào.
Tính từ đầu năm đến ngày 7/8, tỷ giá trung tâm tăng tổng cộng 292 đồng, tương đương khoảng hơn 1%. Thống đốc Lê Minh Hưng mới đây đã nhận định mặc dù thị trường có những biến động bên ngoài nhưng hoàn toàn có đầy đủ những công cụ để có thể kiểm soát tốt tỷ giá. Trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng ngoại tệ rất lớn, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia phân tích của BVSC cũng dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng sẽ là nguồn cung ngoại tệ tương đối lớn để hỗ trợ tỷ giá trong các tháng tới.