Chính vì vậy, trước thông tin Bắc Giang kêu gọi các địa phương hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh đang kỳ thu hoạch, ngay từ đầu vụ, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng các phương án tiêu thụ vải thiều cũng như các mặt hàng nông sản trên địa bàn nhằm đổi mới mọi mặt về xúc tiến tiêu thụ, áp dụng trên quy mô lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Không những thế, Bộ còn thực hiện mô hình vừa xúc tiến vừa tiêu thụ trực tiếp, trực tuyến và truyền thống. Đồng thời, đổi mới phương pháp đóng gói theo quy chuẩn, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc phù hợp từng thị trường, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch….
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã cập nhật thông tin thị trường và chính sách xuất nhập khẩu của các nước được đẩy mạnh, kịp thời phổ biến đến người dân và doanh nghiệp; duy trì và khẳng định uy tín về chất lượng tăng giá trị thương hiệu, sức cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường để phát triển xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong nước và 4 điểm cầu tại Trung Quốc (tỉnh Vân Nam 2 điểm cầu, tỉnh Quảng Tây 2 điểm cầu) với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu tại các điểm cầu. Đặc biệt, tỉnh cũng đã còn tổ chức các phiên giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Bên cạnh các hoạt động mua bán trực tuyến thì cũng có 127 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đến tỉnh Bắc Giang tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều về nước, góp phần quan trọng cho việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc được ổn định và thuận lợi.
Thống kê cho thấy, năm 2020, tổng sản lượng xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang đạt 78.200 tấn, chiếm 47,5% tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều được xuất chủ yếu sang Trung Quốc và một số nước như EU, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, khu vực Trung Đông… trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 77.300 tấn, chiếm 98,8%, các thị trường còn lại đạt 900 tấn chiếm 1,2% sản lượng xuất khẩu.
Năm 2021, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động xây dựng các kịch bản cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong thời kỳ dịch và hậu dịch COVID-19. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã chủ động tiếp cận với doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác tiềm năng để giới thiệu các mặt hàng chủ lực để xuất khẩu, kết nối cung cầu với các doanh nghiệp, địa phương xuất khẩu hàng hóa chủ lực, mở rộng tiếp cận thị trường, tận dụng các cam kết của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ chủ động tiếp cận với các nhà đầu tư khu vực châu Âu, châu Mỹ để xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư các lĩnh vực trọng yếu như phát triển công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ và các lĩnh vực khác của ngành công thương; tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và quảng bá, phát triển các thương hiệu quốc gia, ngành hàng, sản phẩm…
Riêng với hoạt động tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm 2021, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại chủ trì phối hợp với đang đơn vị trong Bộ chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều theo hình thức trực tuyến kết nối với các điểm cầu trong nước và tại nước ngoài.
Cụ thể, dự kiến tại Trung Quốc sẽ có 4 điểm cầu ở tỉnh Quảng Tây 2 điểm, tỉnh Vân Nam 2 điểm, Nhật Bản gồm 2 điểm là Tokyo và Osaka; Australia cũng sẽ được đặt tại Sydney và tại trụ sở một số tập đoàn bán lẻ, nhà nhập khẩu, Singapore là tại trụ sở cơ quan thương vụ Việt Nam và trụ sở một số tập đoàn bán lẻ, nhà nhập khẩu.
Tại các điểm cầu, Bộ Công Thương dự kiến mời lãnh đạo các cơ quan thương mại, đại diện các tập đoàn bán lẻ, nhà nhập khẩu nước sở tại cùng với đại diện Đại sứ quán, cơ quan thương vụ Việt Nam tham dự.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc, thường xuyên phối hợp, trao đổi với các ngành chức năng của cửa khẩu nước bạn tạo điều kiện thông thoáng cho hàng hóa của Việt Nam thông quan đặc biệt là vụ vải thiều năm nay, tận dụng các chính sách ưu tiên trong thông quan hàng hóa nhất là hàng nông sản để xuất khẩu. Cùng với đó, cập nhật thường xuyên về thông tin, nhu cầu thị trường để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong xuất khẩu.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các nước, chủ động tiếp cận với các đối tác tiềm năng để quảng bá, giới thiệu hàng hóa của Việt Nam đặc biệt là vải thiều đến người tiêu dùng nước sở tại để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hơn nữa, Bộ cũng chỉ đạo các Phòng xuất nhập khẩu khu vực trên cơ sở quy định của pháp luật, tạo điều cho các doanh nghiệp được cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) một cách nhanh nhất để hàng hóa khi đến cửa khẩu là có thể thông quan.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động giao thương kết hợp trực tiếp và trực tuyến; tổ chức hội chợ trực tuyến quảng bá sản phẩm của Việt Nam tại các thị trường quốc tế.
Đặc biệt, Bộ sẽ tiến hành đưa ứng dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại như cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến về xúc tiến thương mại (CRM), cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại, hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ)… tạo điều kiện để tất cả doanh nghiệp tiếp cận hoạt động xúc tiến thương mại với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, Bộ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống theo hướng có trọng tâm trọng điểm về thị trường, ngành hàng khi dịch bệnh COVID-19 kết thúc.