Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ODA vẫn 'ì ạch'

Tại Hội nghị với các bộ, ngành ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (ODA) mới chỉ đạt 7,53% so với kế hoạch cấp thẩm quyền giao.

Chú thích ảnh
Giải pháp quan trọng nhất trong giải ngân vốn vẫn là vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án. Ảnh: BTC.

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nói chung cũng như nguồn vốn nước ngoài nói riêng đã ảnh hưởng tới thực hiện phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác trong triển khai các chương trình dự án.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính), tính đến hết ngày 10/6, số vốn giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao. Đáng lưu ý vẫn có 8/13 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân hết số vốn.

Hiện, các bộ, ngành vẫn giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020. Từ ngày 1/1/2021 đến 10/6/2021, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 của các bộ, ngành là 2.187,7 tỷ đồng (gần gấp đôi số giải ngân theo kế hoạch vốn 2021).  

Tính đến hết ngày 10/6/2021, Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, đã xử lý 129 đơn rút vốn với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày. “Tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài mới chỉ đạt hơn 7% là quá thấp. Việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài. Do đó, việc giải ngân nguồn vốn thấp là vấn đề rất quan ngại”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.

Là một trong những bộ, ngành từ đầu năm đến nay chưa giải ngân được vốn ODA, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Nguyên do gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu. Dự kiến tháng 7/2021, Bộ sẽ phê duyệt nhà thầu và các phần vốn này sẽ được tạm ứng vào cuối năm. Theo kế hoạch số vốn được giao sẽ được Bộ giải ngân hết trong năm 2021.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng: Từ nay đến cuối năm, giải pháp quan trọng nhất vẫn là vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án phải quyết liệt triển khai các dự án của mình. Trong đó, hoàn tất thủ tục đầu tư; triển khai về giải phóng mặt bằng; tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ để thanh toán theo quy định, hoàn lại các chứng từ hồ sơ đối với khoản tạm ứng để thu ghi chi…

Các cơ quan chủ quản dự án cần chỉ đạo ban quản lý dự án triển khai dự án, kể cả việc trình duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt các hồ sơ quyết định đầu tư, thực hiện vai trò quản lý Nhà nước khác liên quan đến đầu tư và xây dựng, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi. "Cần có chỉ đạo triển khai rất quyết liệt, kiểm tra, giám sát, có gì khó khăn, vướng mắc liên hệ với các bộ, ngành để giải quyết kịp thời", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Để tăng cường giải ngân rút vốn, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thực hiện theo đúng chế độ quy định. Các hồ sơ thanh toán trước, kiểm soát sau được thực hiện trong 1 ngày làm việc, còn đối với những hồ sơ kiểm soát chi thì thực hiện theo đúng chế độ quy định tối đa không quá 3 ngày... 

Minh Phương/Báo Tin tức
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn ODA trong nông nghiệp
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn ODA trong nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 31/5, giải ngân vốn nước ngoài (ODA) của bộ đạt 718,3 tỷ đồng, tương đương 25,2% tổng vốn năm 2021 được giao. Bộ đang chỉ đạo tháo gỡ khó khăn từng dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN