Quản taxi công nghệ nhưng đừng 'triệt tiêu' mô hình mới

Nếu dự thảo Nghị định 86 sửa đổi lần thứ 8 được thông qua, các ứng dụng gọi xe công nghệ sẽ phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải, phải gắn phù hiệu, hộp đèn trên nóc xe. Theo các chuyên gia kinh tế, cùng định danh là doanh nghiệp vận tải nhưng taxi công nghệ vẫn cần có những quy chế riêng để không bị triệt tiêu những cái hay, cái mới mà mô hình này mang lại.

Chú thích ảnh
Hiện nay, về nhận diện, taxi truyền thống khác biệt rõ nhất với taxi công nghệ ở mào (hộp đèn trên nóc xe). Ảnh: Lê Phú

Đề nghị không gắn hộp đèn trên nóc xe

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi lần thứ 8 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP), tiếp tục quan điểm sẽ quản lý xe hợp đồng Grab, Go-Viet, FastGo… như xe taxi truyền thống. 

Không phản đối việc sẽ bị "quản chung" như xe taxi nhưng trong văn bản vừa gửi Bộ GTVT, Grab tiếp tục đề xuất những điểm khác biệt căn bản trong hoạt động của 2 loại hình xe hợp đồng và taxi.

Theo dự thảo, Bộ GTVT yêu cầu xe hợp đồng hay xe taxi tới đây đều phải có phù hiệu “xe taxi” dán cố định, đặc biệt có hộp đèn với chữ “Taxi”, “xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12 x 30 cm. Tuy nhiên, Grab đề xuất Bộ bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe hợp đồng.

Ông Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab cho rằng: Việc gắn hộp đèn trên nóc xe kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử không cần thiết bởi các phương tiện đã được niêm yết phù hiệu “xe taxi” hoặc “xe hợp đồng” trên kính trước. Thông tin về xe, lái xe, số điện thoại tài xế cũng đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng, xe hợp đồng cũng không đón khách vãng lai như xe taxi. “Mục tiêu quy định hộp đèn trên nóc xe nhằm nhận diện xe của khách hàng khi có nhu cầu đón, vẫy xe taxi trên đường, trong khi xe hợp đồng không đón khách vãng lai”, ông Lim Yen Hock nói.

Phía Grab cũng chỉ ra điều 13, dự thảo chỉ quy định các điều kiện áp dụng cho hoạt động kinh doanh vận tải nói chung. Trong khi đó, khoản 2, điều 3, dự thảo lại phân chia hoạt động kinh doanh vận tải thành các công đoạn khác nhau, dẫn đến khả năng một đơn vị dù chỉ thực hiện một công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải nhưng vẫn phải xin phép kinh doanh; đồng thời tuân thủ toàn bộ các điều kiện kinh doanh vận tải. Điều này hoàn toàn không hợp lý và không có cơ sở pháp lý.

Nhiều ý kiến cho rằng: Việc Bộ GTVT quy định Grab, Go-Viet phải đăng ký doanh nghiệp vận tải là hợp lý. Tuy nhiên, không thể đánh đồng, hoàn toàn gộp chung 2 loại taxi công nghệ và taxi truyền thống “về một giỏ”. Đơn cử, mô hình của Grab sử dụng công nghệ để tiết giảm nhân sự, chi phí quản lý, từ đó giảm giá thành cho người dùng. Nếu “ép” Grab phải đáp ứng tất cả quy định như taxi truyền thống sẽ làm biến đổi mô hình kinh doanh mới, đẩy hết về thành taxi truyền thống.

"Đây là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, cần những điều kiện, quy định mới nhằm phát huy những mặt tích cực mà loại hình kinh doanh này đem lại. Tạo môi trường bình đẳng không có nghĩa là kéo loại hình này về quản y như taxi", ông Trương Thanh Đức- Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basic nói.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. Về phía khách hàng, không phải ai cũng có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn phù hiệu, hộp đèn hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp.

Góp ý dự thảo, đại diện VCCI cho hay: Về mặt logic, pháp luật phải được điều chỉnh để thích ứng với những dạng thức mới phát sinh trong cuộc sống. Và mặc dù có rất nhiều tranh cãi, tất cả đều đồng thuận quan điểm cho rằng Grab là hình thức kinh doanh mới, không giống với các hình thức kinh doanh đã có trước đây về mối quan hệ giữa các bên Grab-bên vận chuyển-hành khách. Do đó, việc áp đặt cơ chế quản lý cũ cho một hình thái kinh doanh mới là không hợp lý.

Còn Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: Những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích, có thể phải chịu những rào kỹ thuật nào đó nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này. Dự thảo mới nhất lấy ý kiến thực tế đã có nhiều điểm mới, như đã bỏ một số quy định, điều kiện về màu sơn biểu trưng, trung tâm điều hành, thiết bị liên lạc, đồng phục...

Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi đã được Bộ GTVT triển khai bổ sung, lấy ý kiến và trình đến lần thứ 8 trong 3 năm nay. Nghị định đã nhiều lần được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ khá nhiều lần nhưng vẫn chưa được ban hành. Mấu chốt do Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được giải pháp phù hợp nhất cho quy định quản lý xe hợp đồng và xe taxi, gây ra những tranh cãi giữa một bên là xe hợp đồng, một bên là taxi truyền thống.

GrabCar và GrabTaxi có khác nhau?

Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Bộ Tư pháp và Bộ GTVT kiến nghị việc Grab “phớt lờ” các quy định của Bộ GTVT tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT như tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, thành phố lên 15 tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Lâm Đồng, Quy Nhơn, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh,…

Tuy nhiên phía Grab khẳng định: Không có hiện tượng Grab “tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, thành phố lên 15 tỉnh, thành phố". Theo Grab, Vata đã gây hiểu nhầm giữa hai dịch vụ GrabCar và GrabTaxi, đây là hai dịch vụ kết nối di chuyển được tích hợp trên ứng dụng Grab nhưng hoàn toàn khác nhau.

GrabCar được triển khai trong khuôn khổ Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối và quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã được Bộ GTVT ban hành tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 (Đề án 24). Grab chỉ triển khai dịch vụ GrabCar tại 5 tỉnh, thành phố được thí điểm theo Đề án 24 gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Trong khi đó, GrabTaxi là ứng dụng cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động tuân theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về “Thương mại điện tử”.

GrabTaxi đã hoàn thành thủ tục đăng ký loại hình tương ứng có phạm vi hoạt động trên toàn quốc với Bộ Công Thương và mở rộng quy mô trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước đều trên tinh thần tuân thủ hướng dẫn của Bộ GTVT và các Sở GTVT địa phương.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Lái xe về quê, taxi ‘cháy hàng’ những ngày Tết, cước Grab tăng vọt
Lái xe về quê, taxi ‘cháy hàng’ những ngày Tết, cước Grab tăng vọt

Trong 3 ngày Tết (từ 5 đến 7/2), nhiều khách hàng đã gặp khó khăn khi gọi taxi truyền thống. Nếu đặt taxi công nghệ cũng phải chờ lâu hơn so với ngày thường; đồng thời chấp nhận giá cước tăng gấp 2 - 3 lần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN