Trắng tay vì cho vay lãi cao
Cuối năm 2017, được sự giới thiệu của một người bạn, anh N.A.T (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) gửi tiền vào một đường dây “tín dụng đen”, huy động tiền và trả lãi suất rất cao. Với mỗi 100 triệu đồng tiền gửi, anh T. sẽ được trả lãi 5 triệu đồng/tháng. Tính ra, lãi suất theo phương thức huy động vốn này lên đến 60%/năm, cao gấp rất nhiều lần so với lãi suất gửi ngân hàng hiện nay (khoảng 6 – 7%/năm).
Hình thức cho vay này không đòi hỏi giấy tờ bảo lãnh, chủ yếu dựa vào lòng tin với người được vay. Trong suốt hơn 1 năm sau đó, bên vay thường xuyên trả lãi đúng hạn hằng tháng, lại được bạn bè cam kết nên anh T. rất yên tâm, dù anh không biết đối tượng vay tiền làm gì và vì sao lại trả lãi cao như vậy.
Tới đầu năm 2019, các đầu mối mà anh T. gửi tiền đột ngột biến mất. Tìm đủ mọi cách, anh T. vẫn không thể liên lạc được với người vay. Số điện thoại không liên lạc được. Tìm đến những địa chỉ trước đây thì nhà khóa trái cửa, hỏi người dân xung quanh thì được biết chủ nhà đã bỏ đi từ lâu.
Hiện giờ, anh T. lâm vào cảnh khốn cùng khi Tết sắp đến mà không đòi được đồng tiền nào. Số tiền anh cho vay dưới cái mác “đầu tư tài chính” đã bị “bốc hơi” mất gần 1 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó có món nợ các ngân hàng 200 triệu đồng do anh rút từ thẻ tín dụng, giờ phải chạy vạy khắp nơi vay tiền bạn bè để nộp trả ngân hàng nếu không sẽ bị tính lãi cao và chịu phí phạt.
“Tôi không thể ngờ mình lại bị lừa như vậy. Cứ nghĩ bạn bè thì tin tưởng nhau, thời gian đầu họ trả lãi đều đặn nên mình cũng tin tưởng, rót tiền cho vay ngày một nhiều. Đến giờ mới vỡ ra thì đã quá muộn”, anh T. chua chát nói.
Việc cho vay này hoàn toàn là giao dịch dân sự giữa 2 bên, không hề có hóa đơn, giấy tờ gì bảo đảm. Bản thân anh T. cũng không biết rõ người mình cho vay tiền là ai. Do đó nên bây giờ anh T. có đi báo công an thì cũng không có cơ sở gì để điều tra.
Sát Tết, những người sa chân vào tín dụng đen bị “bùng làng” như anh T. không phải là ít. Lợi dụng sự cả tin của một bộ phận người dân, các đối tượng lừa đảo đã dàn cảnh trả lãi cao đều đặn để “nuôi lòng tin” ở khách hàng. Sau khi khách đã đầu tư vào một số tiền lớn, cá đã cắn câu, bọn chúng bỏ trốn không để lại dấu vết.
Trắng tay vì "vòng xoáy" lãi mẹ đẻ lãi con
Bên cạnh những trường hợp sạt nghiệp bởi cho vay nhưng đối tượng vay bỏ trốn, "thị trường tín dụng đen" vào dịp Tết lại càng quay cuồng với những dân nghèo trót lỡ trở thành con nợ.
Tại các khu công nghiệp (KCN) ở các tỉnh, thành, dịp cuối năm, người lao động cần nhiều tiền để trang trải nhu cầu mua sắm quà Tết, mua vé tàu xe để trở về quê sau một năm lao động xa nhà.
Lương thấp, tiền thưởng ít hoặc phải đến hạn phải trả nợ cuối năm, không ít công nhân làm việc tại KCN lại tìm đến các địa chỉ cho vay nặng lãi với hy vọng ra Tết sẽ đi làm để trả nợ dần.
Để hút người vay, các chủ hiệu cầm đồ hay đối tượng cho vay nặng lãi đã đưa ra các điều kiện hấp dẫn như: Chỉ cần lương trên 3 triệu đồng; chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ ATM do doanh nghiệp trả lương qua tài khoản. Theo đó, các đối tượng cho vay sẽ kiểm soát được mật khẩu ATM của người vay, đến khi doanh nghiệp trả lương, chủ cầm đồ “núp bóng” cho vay nặng lãi sẽ chủ động rút đủ số tiền vay, cộng tiền lãi ra khỏi tài khoản của người vay.
Tiềm ẩn dấu hiệu hoạt động tội phạm có tổ chức
Không chỉ vươn “vòi” tới vùng sâu, vùng xa mà ngay tại chủ đô Hà Nội, "tín dụng đen” cũng len lỏi hoạt động, gây hậu quả về kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật từ những hành động gây tổn hại tới tính mạng.
Ông Nguyễn Quang Hội, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay: Năm 2018, lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện 201 vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn, trong đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 71 ổ nhóm đối tượng nghi “tín dụng đen”, 56 ổ, nhóm có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” núp dưới những hình thức khó phát hiện như tư vấn tài chính, cho thuê xe tự lái...
Theo ông Nguyễn Quang Hội, lực lượng chức năng chưa phát hiện băng ổ, nhóm tội phạm “xã hội đen” hoạt động công khai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhưng trên địa bàn quận vẫn xuất hiện một số vụ việc có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm có tổ chức như: Cầm đồ, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, đổ chất thải chất bẩn với mục đích đòi nợ... Đặc biệt, “tín dụng đen” có thể diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán 2019.
Vì vậy, các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đang tăng cường điều tra, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở khu dân cư; khuyến khích động viên nhân dân phối hợp, phát hiện cơ sở có dấu hiệu hoạt động "tín dụng đen" để thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng, không để các đối tượng nghi hoạt động "tín dụng đen" cho thuê nhà để mở cơ sở.
Liên quan đến cơ sở pháp lý để đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết: Bộ đã tiến hành nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Bước đầu, Bộ Tư pháp nhận thấy, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp cũng nhận thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại Điểm d, Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm theo quy định của Nghị định này là vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, trong khi mức lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự là 20%/năm/khoản tiền vay.
"Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để khắc phục những bất cập trên. Hiện, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành", ông Đỗ Đức Hiển nói.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Để ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, trước mắt, Agribank được yêu cầu nghiên cứu triển khai gói tín dụng khoảng 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng với thủ tục, hồ sơ nhanh gọn, có thể sáng vay chiều giải ngân. Phía Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được yêu cầu bổ sung chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống hộ cận nghèo, hộ nghèo. Các ngân hàng khác có trách nhiệm tham gia góp phần hạn chế tín dụng đen, tùy vào điều kiện, nguồn vốn và định hướng của từng đơn vị, trong đó vay tiêu dùng đang là một xu hướng của thị trường, nhất là các món vay nhỏ, bán lẻ. Người dân vay với lãi suất 12 - 14%/năm là hợp lý và tốt cho thị trường, hơn là tìm đến các khoản vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ.