Vào lúc 17:37 GMT (khoảng 0 giờ 37 phút sáng ngày 24/9 theo giờ Việt Nam), giá vàng tăng 0,5% lên 1.523,51 USD/ounce. Trước đó, giá kim loại quý này đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 6/9 là 1.526,80 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,1% lên 1.531,50 USD/ounce.
Chiến lược gia cao cấp về hàng hóa Phillip Streible, thuộc RJO Futures, nhận định giá vàng có thể chạm mức 1.550 USD/ounce trong điều kiện thuận lợi như “lãi suất thấp, rủi ro địa chính trị gia tăng, Mỹ và Trung Quốc không đạt được một thỏa thuận thương mại và số liệu yếu kém cho thấy kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái.
Theo kết quả một khảo sát công bố ngày 23/9, hoạt động trong lĩnh vực tư nhân của Đức đã giảm lần đầu tiên trong sáu năm rưỡi qua trong tháng Chín khi hoạt động chế tạo bất ngờ giảm sâu và lĩnh vực dịch vụ bị mất đà, trong khi tăng trưởng kinh doanh tại Eurozne đình trệ.
Trong khi đó, số liệu về Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ tốt hơn dự kiến đã phần nào hỗ trợ các thị trường chứng khoán không bị rớt giá mạnh, song chưa đủ để hạn chế đà đi lên của giá vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium giao ngay khép phiên tăng 0,6% lên 1.650,60 USD/ounce sau khi đã có lúc chạm mức kỷ lục 1.664,50 USD/ounce trước đó trong cùng phiên. Từ đầu tháng Chín đến nay, giá kim loại quý này đã tăng gần 8% (khoảng 115 USD). Giá bạc giao ngay tăng 3,5% lên 18,61 USD/ounce, còn giá bạch kim giao ngay tăng 1,1% lên 955,85 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 19 phút, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được doanh nghiệp này niêm yết ở mức 41,98 - 42,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).