Bảo đảm thị trường hàng hóa khu vực phía Nam - Bài 3: Mong… chợ đừng đông

Đến nay đã tròn 5 ngày kể từ khi tỉnh Khánh Hòa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, Chỉ thị số 15/CT-TTg đối với các huyện, thành phố còn lại trong tỉnh kể từ 0 giờ ngày 9/7.

Chú thích ảnh
Chợ Đầm Nha Trang vắng vẻ trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Khánh Hòa trong thời điểm này là triển khai giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch bệnh, có phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bình ổn giá, an toàn thực phẩm; cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, nhất là tại các khu vực cách ly y tế.

Trước nhiệm vụ khó khăn này, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 phải bảo đảm nhanh chóng, đúng đối tượng; kiên quyết không để người dân thiếu đói do dịch bệnh.

Khánh Hòa có trên 1,2 triệu dân, nếu tình hình dịch bùng phát phức tạp, nghiêm trọng hơn sẽ gây ra những hệ lụy lớn. Bởi vậy Khánh Hòa đã áp dụng giãn cách xã hội sớm và kiên quyết, vào thời điểm cả tỉnh ghi nhận 144 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Tinh thần của Khánh Hòa là vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa đảm bảo các yêu cầu phát triển kinh tế, không làm ảnh hưởng, đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa cho biết, hiện nay hàng hóa trên thị trường phong phú, đảm bảo cung ứng phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Người dân không tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa, tránh dẫn đến không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Sở Công Thương tỉnh đã thông tin danh sách các siêu thị, doanh nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm có bán hàng qua kênh điện thoại, trực tuyến trên địa bàn để các đơn vị, doanh nghiệp và người tiêu dùng mua sắm khi có nhu cầu. Hiện Khánh Hòa có 11 siêu thị bán hàng online, giao hàng tại nhà; trong đó có 8 siêu thị tại thành phố Nha Trang, 2 siêu thị tại thành phố Cam Ranh và 1 siêu thị ở thị xã Ninh Hòa.

Chị Kiều Hương, một người dân ở Nha Trang chia sẻ, hiện nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, hộ kinh doanh đảm bảo dồi dào. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên đổ xô đi mua hàng quá đông để phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn yêu cầu Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường hàng hóa, giá cả các mặt hàng thiết yếu; xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng thiết yếu theo quy định của pháp luật.

Để giảm bớt số người đến chợ mua hàng hóa theo đúng tinh thần “giãn cách xã hội” cũng như điều chỉnh số lượng người đến chợ, siêu thị trong từng thời điểm, kể từ ngày 14/7, thành phố Nha Trang đã áp dụng biện pháp phát phiếu cho các hộ gia đình đi chợ, siêu thị với tần suất 3 ngày/lần trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, từ ngày 12/7 thị xã Ninh Hòa cũng đã triển khai phương án này với hiệu quả thiết thực.

Chú thích ảnh
Khách hàng thực hiệm nghiêm khoảng cách an toàn tại khu vực thanh toán ở siêu thị LOTTE Mart Nha Trang.

Tại chợ Đầm Nha Trang, bà Lê Thị Ngọc, trú ở phường Phương Sài cho biết, bà vừa mua xong số thực phẩm dùng 3 - 4 ngày cho cả gia đình. Chợ vẫn đầy đủ hàng hóa như mọi khi, không có gì thay đổi. Chỉ khác là người đi chợ giảm nhiều, nhưng mong chợ đừng đông như vậy mới phòng, chống dịch hiệu quả.

Mới đây, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên (Tỉnh đoàn Khánh Hòa) đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, Câu lạc bộ Doanh nhân Khánh Hòa - Sài Gòn… phát động chương trình "ATM gạo Khánh Hòa - Hành trình trái tim" với mục tiêu huy động, quyên góp khoảng 50 tấn gạo trong giai đoạn đầu để lắp đặt các ATM gạo nhằm trợ lương thực cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Ninh Hòa và thành phố Nha Trang, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.

Từ nay đến đầu tháng 9, chương trình tiến hành vận động quyên góp từ các cá nhân, nhà hảo tâm, mạnh thường quân, hình thức ủng hộ gạo hoặc tiền mặt để sau đó mua gạo, song song với kế hoạch lắp đặt máy ATM gạo nhằm hỗ trợ kịp thời đến với người dân.

Bài cuối: Tổ chức nguồn hàng cung ứng hợp lý

Bài và ảnh: Tiên Minh (TTXVN)
Bảo đảm thị trường hàng hóa khu vực phía Nam - Bài 2: Liên kết đưa thực phẩm về TP Hồ Chí Minh
Bảo đảm thị trường hàng hóa khu vực phía Nam - Bài 2: Liên kết đưa thực phẩm về TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế lớn của cả nước mà còn là thị trường tiêu thụ và đầu mối giao thương của khu vực phía Nam. Việc TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là những mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay đặt ra là bài toán liên kết ngành, địa phương đưa thực phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN