Vào mùa SEA Games-Bài 1: “Có thực mới vực được đạo”

Gần 3 tháng trước Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 27, các đội tuyển bắt đầu chạy nước rút cho một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Thể thao Việt Nam năm 2013. Tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội), không khí chuẩn bị hết sức khẩn trương.


Bài 1: “Có thực mới vực được đạo”

Chế độ mới


Theo các chuyên gia, dinh dưỡng là một phần rất quan trọng trong thi đấu thể thao, đặc biệt là thể thao đỉnh cao. Ăn uống như thế nào cho đủ dinh dưỡng và phù hợp với đặc thù của từng bộ môn, luôn có ảnh hưởng trực tiếp tới thành tích thi đấu của VĐV. Ở các giải đấu lớn, không thiếu trường hợp các đoàn đã mang theo cả đội ngũ đầu bếp, chuyên gia dinh dưỡng, để chăm sóc một cách tốt nhất cho VĐV.

Khối lượng tập luyện nặng, nên VĐV có nhu cầu dinh dưỡng cao.


Thấu hiểu yêu cầu này và trước thực tế giá cả thực phẩm đang không ngừng tăng, ngày 16/9/2013, Tổng cục TDTT đã ký quyết định về việc thực hiện chế độ tiền ăn mới dành cho HLV, VĐV của các ĐTQG đang chuẩn bị cho SEA Games 27. Theo đó, từ nay cho đến hết giải đấu ở Myanmar, chế độ tiền ăn của HLV, VĐV sẽ tăng từ 200.000 đồng/người/ngày, lên thành 300.000 đồng/người/ngày. Đây thực sự là một nguồn động viên lớn đối với các HLV, VĐV trong giai đoạn tăng tốc chuẩn bị cho SEA Games 27.


Cách đây hơn 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định nâng mức tiền ăn dành cho HLV, VĐV các ĐTQG, từ 120.000 đồng/người/ngày, lên thành 200.000 đồng/người/ngày. Trao đổi với Tin Tức, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội, cho biết: “Ở thời điểm đó, chế độ tiền ăn như vậy đã tạm thời đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của VĐV. Tuy nhiên, sau những cơn bão giá vừa qua, chế độ này dần không còn phù hợp. Với số tiền 200.000 đồng/người/ngày cho 3 bữa ăn, nhà bếp đã phải cố gắng ‘liệu cơm gắp mắm’, nhưng vẫn chỉ đáp ứng được yêu cầu về ‘lượng’, chứ ‘chất’ thì chưa đủ. Chúng tôi đã phải gạt bỏ khỏi thực đơn một số thực phẩm bổ dưỡng, để cân đối thu, chi”.


Thực chất, qua tìm hiểu thực đơn của VĐV, mức tiền ăn trước đợt điều chỉnh lần này chỉ là 180.000 đồng/người/ngày. Ông Hùng giải thích, sở dĩ Trung tâm phải trích lại 20.000 đồng/người/ngày là dành cho tiền nước uống - một phần cũng hết sức quan trọng đối trong tập luyện thể thao.


Sau quyết định về chế độ tiền ăn mới dành cho HLV, VĐV, những lo ngại của lãnh đạo Trung tâm liên quan đến vấn đề này đã được xua đi. “Chúng tôi đã chuẩn bị và lên phương án sẵn sàng triển khai áp dụng chế độ dinh dưỡng mới cho HLV, VĐV trong vài ngày tới. Các VĐV sẽ được hoàn lại khoản tiền chênh lệch trong thời gian chờ thực hiện chế độ ăn mới”, ông Hùng cho biết, chiều 23/9.


Bữa ăn tự chọn


Trên thực tế, không phải đợi tới khi có quyết định về chế độ mới, Trung tâm HLTTQG Hà Nội đã sớm chủ động tạo ra sự thay đổi trong bữa ăn của VĐV ngay từ quý II năm 2013. Theo đó, qua tham khảo từ các chuyến thi đấu nước ngoài của VĐV, Trung tâm đã cho triển khai áp dụng bữa ăn tự chọn, dành riêng cho các đội tuyển chuẩn bị thi đấu SEA Games.

 

Trước thềm SEA Games 27, chế độ tiền ăn của huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển quốc gia đã được nâng từ mức 200.000 đồng/người/ngày, lên thành 300.000 đồng/người/ngày.

Các VĐV không còn bị áp đặt vào những thực đơn có sẵn như trước, mà có nhiều lựa chọn phong phú hơn. Tuy nhiên, các HLV vẫn phải kiểm soát VĐV của mình, sao cho bữa ăn đáp ứng được yêu cầu của từng bộ môn riêng biệt.
Theo ông Hùng, mục đích của bữa ăn tự chọn không chỉ nhằm giúp VĐV được phép ăn nhiều hơn những món ăn hợp khẩu vị với mình, mà điều quan trọng hơn là thông qua đó rèn cho VĐV ý thức trong ăn uống, giúp các VĐV có thể thích nghi với những bữa ăn đa dạng trong các chuyến thi đấu quốc tế. Ngoài ra, nhà bếp cũng tránh phải xử lý lượng thức ăn thừa, vì không phải lúc nào VĐV cũng ăn hết khẩu phần của mình theo cách chia thực đơn cũ (do nhiều lý do khác nhau: VĐV mệt mỏi, thức ăn không hợp khẩu vị…).


Tuy vậy, cách làm sáng tạo của Trung tâm cũng gây ra một vấn đề hết sức tế nhị: Các VĐV không thuộc các đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games phải ăn riêng. Đặc biệt, khi chế độ dành cho VĐV tham dự SEA Games tăng lên, sự “phân biệt đối xử” lại càng rõ rệt. Trung tâm đang hy vọng, một số đề xuất khác về chế độ dinh dưỡng dành cho VĐV trọng điểm (hướng tới Asiad, Olympic) và các đội tuyển trẻ sẽ sớm được phê duyệt, để các VĐV được hưởng mức đãi ngộ công bằng hơn, sau những vất vả trong tập luyện và nỗ lực trong thi đấu, vì mục tiêu chung là mang vinh quang về cho Tổ quốc.


Song Long


Bài cuối: Bệ phóng huy chương

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN