Sau những “lùm xùm” năm 2013, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đưa trọng tài vào tâm điểm của kế hoạch chấn chỉnh công tác tổ chức, điều hành mùa giải 2014, với mục tiêu tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả các đội bóng. Và tới lúc này thì VFF, VPF đã cho thấy rằng họ không hề nói chơi…
Chưa thấy tiêu cực
Năm ngoái, nếu như sự kiện XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải giữa chừng là chủ đề chính của mọi tranh cãi, thì những nghi án tiêu cực trong công tác trọng tài càng khiến cho bức tranh V-League thêm u ám. Sau khi mùa giải 2013 khép lại, VFF đã quyết định không mời 6 trọng tài tiếp tục làm nhiệm vụ ở mùa giải 2014, trong đó có nhóm 4 trọng tài vướng vào nghi án nhận hối lộ 100 triệu đồng trong trận Thanh Hóa - Hoàng Anh Gia Lai.
Sân chơi sẽ trở nên công bằng nếu có sự công tâm, chính xác của đội ngũ trọng tài. |
Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng, bởi Trưởng ban tổ chức V-League 2013 Trần Duy Ly từng tiết lộ vào giai đoạn tập huấn giữa mùa trước, có khoảng 10 trọng tài khác cũng được VPF đưa vào tầm ngắm vì nghi ngờ nhận tiền hối lộ. Cái sự “bán tín, bán nghi” xung quanh công tác trọng tài sau đó đã lên tới đỉnh điểm, khi VFF quyết định tạm đình chỉ công tác đối với lần lượt Trưởng ban và Phó trưởng ban trọng tài, Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn.
Nhằm tránh những “tiếng còi méo”, hoặc để thiên vị đội này, đội kia, hoặc có thể vì một mục đích xấu hơn là móc ngoặc với thế giới ngầm (cá cược bất hợp pháp), VFF mùa này đã đưa ra những biện pháp xử lý vừa quyết liệt, vừa mềm mỏng đối với công tác trọng tài. Quyết liệt ở chỗ, trọng tài nào bị các đội bóng hoặc dư luận lên án 2 lần trong mùa giải sẽ được “xin mời nghỉ”. Còn mềm mỏng ở việc, nếu trọng tài tố cáo hành vi hối lộ, trọng tài đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm và sẽ được VFF thưởng gấp ba so với số tiền được hối lộ.
Sau những động thái như vậy từ VFF, công tác trọng tài qua 7 vòng V-League 2014 đã không còn dấu hiệu tiêu cực. Ít nhất về bề nổi là như vậy. Tuy nhiên, một vấn đề khác lại nảy sinh: Lỗi chuyên môn của các trọng tài xảy ra nhiều, chủ yếu liên quan đến các tình huống bạo lực trên sân, khiến nhiều đội bóng bức xúc và không khí giải đấu trở nên căng thẳng.
Không ngại “ném chuột vỡ bình quý”
Điển hình là ở trận Sông Lam Nghệ An - Hùng Vương An Giang ngày 27/2 vừa qua, trọng tài Phùng Quốc Quân chỉ rút thẻ vàng đối với pha vào bóng của Trần Đình Đồng (SLNA) làm gãy chân Nguyễn Anh Hùng (HVAG), trong khi lỗi của Đình Đồng sau đó đã được VFF xử lại là cấm thi đấu hết năm 2014. Cũng ở vòng đấu thứ 7, trọng tài Nguyễn Văn Kiên đã “dung túng” cho lối chơi bạo lực của các cầu thủ Hải Phòng, khiến HLV Lê Huỳnh Đức của đội khách SHB Đà Nẵng phải thốt lên: “Xin thua 0 - 3 để bảo toàn lực lượng”. Cũng tại sân Lạch Tray (Hải Phòng), đội Thanh Hóa đã cáo buộc trọng tài Nguyễn Đức Vũ là nhu nhược, thiếu kiên quyết, khiến các cầu thủ khách trở thành nạn nhân của lối chơi “chặt chém” ở vòng đấu thứ nhất.
Bên cạnh đó, nhiều lỗi nhận định của trọng tài cũng xảy ra, ảnh hưởng lớn tới cục diện của các trận đấu. Ngay trong trận SLNA - HVAG, các trọng tài đã công nhận bàn thắng ở thế việt vị của Paul Emile, giúp đội bóng xứ Nghệ có 3 điểm quý giá. Trước đó, ngày 22/1, trọng tài Đinh Văn Dũng cũng bị lãnh đạo Hà Nội T&T phản ứng kịch liệt về cách cầm còi tại sân Hàng Đẫy, trong trận đấu với XM The Vissai Ninh Bình, tước đi của Hà Nội T&T ít nhất 2 quả phạt đền xứng đáng. Tương tự như vậy, một số cầu thủ SLNA đã bật khóc vì cho rằng bị xử ép, khiến cho thua SHB Đà Nẵng (2 - 1) ngày 21/2.
Theo thông tin từ VPF, số lượng trọng tài làm việc tại V-League 2014 là 19 người, còn trợ lý trọng tài là 25 người. Tại giải hạng Nhất, số lượng trọng tài và trợ lý trọng tài lần lượt là 22 và 25. |
Trước phản ứng gay gắt của dư luận và của các đội bóng, mới đây VFF và VPF đã thống nhất “treo còi” có thời hạn đối với một số trọng tài, trợ lý trọng tài. Theo đó, tổ trọng tài điều khiển trận SLNA - HVAG (Phùng Quốc Quân, Trần Thanh Liêm, Nguyễn Như Phong) và trọng tài bắt chính trận Hải Phòng - SHB Đà Nẵng (Nguyễn Văn Kiên) tạm thời không được phân công làm nhiệm vụ ở các vòng đấu tới của V-League. Ngoài ra, một số giám sát trọng tài cũng đang đứng trước nguy cơ phải nhận án phạt, do báo cáo thiếu đầy đủ về những sai sót kể trên của các trọng tài.
Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Việc không bố trí làm nhiệm vụ đối với một số trọng tài là cần thiết, bởi sau những gì đã xảy ra, các cá nhân này phải có thời gian lấy lại thăng bằng. Sau sự kiện này, việc phân công các trọng tài có thể sẽ gặp đôi chút khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ điều một số trọng tài trẻ có triển vọng ở giải hạng Nhất lên bắt ở V-League”.
Hành động của VFF và VPF là kịp thời, quyết liệt và ít nhất đang giúp các đội bóng tin tưởng vào sự công bằng của giải đấu. Tuy nhiên, nỗi lo về chất lượng trọng tài không vì thế mà được xua tan, nhất là khi sân chơi sắp tới sẽ chào đón những gương mặt chưa được kiểm chứng nhiều về bản lĩnh.
Bài và ảnh: Song Long