Chia sẻ với báo chí về điều này, nam kình ngư số 1 Việt Nam hiện nay, người giành tấm vé tham dự Olympic Tokyo đầu tiên cho Bơi Việt Nam - Nguyễn Huy Hoàng cho hay: “Khi biết tin được tập luyện trở lại cảm giác thật sự vui và sung sướng, giống như “cá gặp nước”. Sau bao ngày không được làm quen với môi trường tập luyện quen thuộc, khi bắt đầu xuống nước trở lại thoạt đầu mọi người có cảm giác khá chông chênh và thấy cơ thể mình nặng, không hòa mình vào được với làn nước. Song cảm giác đó qua nhanh và em cũng như các bạn trong đội tuyển bơi nhanh chóng làm quen và chắc chắn sẽ sớm thích nghi trở lại”.
Theo bà Lê Thanh Huyền, phụ trách môn Bơi của Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), thời gian qua, chỉ có Ánh Viên và một số VĐV đang tập tại Trung tâm HLTTQG TP Hồ Chí Minh là có thể xuống nước do bể bơi nằm ngay trong Trung tâm. Còn lại những VĐV như Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên hay Quý Phước, do bể bơi ở ngoài Trung tâm, nên các VĐV đều không xuống nước được mà chỉ tập trên bờ. Khoảng thời gian khá dài không xuống nước phần nào đã khiến cảm giác bơi của các VĐV ít nhiều bị ảnh hưởng.
Chính vì lẽ đó, theo HLV tuyển Bơi quốc gia Nguyễn Hoàng Vũ, hiện Ban huấn luyện cố gắng lên phương án huấn luyện phù hợp với tình hình thực tế. Trong những ngày đầu trở lại tập luyện, Ban huấn luyện chủ yếu xây dựng chương trình huấn luyện với các bài tập đầu tiên cảm giác làm quen với nước.
Với mục tiêu lấy lại cảm giác nên các buổi tập trong giai đoạn này của đội tuyển Bơi Việt Nam kéo dài khoảng 3 giờ thay vì 4 - 5 giờ như trước đây. Dự kiến sau 2 tuần, các VĐV mới lấy lại được phong độ như bình thường.
Khó khăn trong việc tìm lại cảm giác cho các VĐV không chỉ xuất hiện ở môn Bơi. Tại nhiều trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu TDTT các tỉnh, thành phố cũng đã quay trở lại tập luyện tập trung. Mặc dù VĐV thành tích cao đều tập luyện thường xuyên trong thời gian tạm nghỉ nhưng thể lực, kỹ thuật chuyên môn đều có phần sụt giảm so với trước. Hiện Ban huấn luyện đang đề ra những bài tập phù hợp nhằm củng cố kỹ, chiến thuật, kết hợp chế độ ăn uống đảm bảo, giúp VĐV lấy lại phong độ, phát huy thế mạnh, sở trường một cách tối đa.
Cùng với đó là các công tác để tuân thủ nghiêm những quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Trung tâm Huấn luyện thể thao đang được tiến hành như phun xịt hóa chất diệt khuẩn, tổng vệ sinh các lớp học, trang thiết bị phục vụ học tập, phòng tập, dụng cụ tập luyện. Bên cạnh đó, bổ sung các trang thiết bị y tế, xà bông, nước sạch, nước rửa tay sát khuẩn tại các lớp học, phòng tập… và bố trí cán bộ đo thân nhiệt cho các VĐV. Đặc biệt, quán triệt việc đeo khẩu trang hay giãn cách khi tập luyện.
COVID-19 đã khiến thể thao thế giới tê liệt, thể thao Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của đại dịch này. Trong suốt 4 tháng qua, các VĐV Việt Nam gần như không được tham dự bất kỳ giải đấu nào. Việc tập luyện với đa số VĐV cũng bị ảnh hưởng nhiều, bởi khi đội tuyển bị giải tán, họ tự tập tại nhà với khối lượng chỉ bằng 50 - 60% tập ở đội tuyển hay CLB. Vì thế, vào lúc này họ rất muốn các giải đấu được trở lại thi đấu.
Ở thời điểm hiện tại, Tổng cục TDTT đang chuẩn bị cho các giải đấu khởi tranh trở lại khi có sự đồng ý của Chính phủ. Thống kê của Tổng cục TDTT, 6 tháng đầu năm 2020 thể thao Việt Nam dự kiến tham dự 113 giải đấu, sự kiện thể thao quốc tế. Còn ở trong nước, theo kế hoạch sẽ có 71 giải đấu thể thao thành tích cao cùng với đó 19 đội tuyển thể thao lên chương trình đi tập huấn nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, sẽ chỉ có các giải đấu chính được tổ chức.
“Các giải còn lại có thể phải hủy bỏ hoặc gộp lại thi đấu chung. Không thể dồn toàn bộ giải đấu của 6 tháng đầu năm tổ chức hết vào 6 tháng cuối năm được vì còn liên quan đến địa điểm thi đấu, kinh phí của các địa phương và cả việc luyện tập của VĐV” - ông Trần Đức Phấn cho biết.
Khó tìm nhịp Olympic
Nếu Olympic 2020 vẫn diễn ra theo kế hoạch cũ vào tháng 7, thì tháng 4 - 5 chính là giai đoạn tập luyện nước rút của các VĐV. Thông thường vào tháng 6, mọi danh sách các VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic sẽ được hoàn tất, cũng là các VĐV sẵn sàng tâm lý cho đấu trường thế giới.
Việc Olympic lùi lại sang năm dù là điều không ai mong muốn, thêm ít nhất một tuổi nữa mới có cơ hội tham dự Olympic thực sự là một thử thách rất lớn đối với các VĐV. Không những thế, các VĐV chưa đạt chuẩn gặp rất nhiều vấn đề về mặt tâm lý do chưa biết lúc nào các giải đấu loại mới được tổ chức và đâu là điểm rơi phong độ cần thiết.
Chia sẻ về điều này, ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games, Asian Games, Olympic cho biết: “Tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến quá trình tập luyện và thi đấu của các VĐV, khiến họ bị mất nhịp, nhất là với những VĐV có tuổi đời lớn, khó có sự bắt nhịp trở lại dễ như các VĐV trẻ.
Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị của nhiều đội cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như với đội tuyển Bơi, việc tìm chuyên gia cho Ánh Viên đã phải tạm dừng. Do nhiều giải đấu phải tạm dừng chưa biết đến khi nào mới tổ chức lại được nên các đội cũng khó xác định được quy trình tập luyện để đạt được điểm rơi phong độ.
Trong giai đoạn dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc quan trọng là tất cả các VĐV, các đội tuyển phải cùng cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh, với phương châm sức khỏe là quan trọng nhất. Đây cũng là khó khăn chung của thế thao thế giới và thể thao Việt Nam không là ngoại lệ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tìm cách khắc phục”.
Hiện thể thao Việt Nam mới chỉ có 5 VĐV đã có vé là Nguyễn Huy Hoàng (Bơi), Lê Thanh Tùng (Thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (Bắn cung), Nguyễn Văn Đương (Boxing). 15 vé dự Olympic còn lại đang được trông chờ vào các môn như Cử tạ, Cầu lông, Đua thuyền, Taekwondo, Vật, Điền kinh, Bơi với các niềm hy vọng Thành Ngưng và Nguyễn Thị Huyền (Điền kinh), Vũ Thành An và Đỗ Thị Anh (Đấu kiếm)...
Trong đó, kiếm thủ Vũ Thành An khẳng định đầy quyết tâm: “Đã là khó khăn chung nên các VĐV phải tìm cách vượt qua và ai vượt qua được thì người đó sẽ chiến thắng”.
Như vậy, Thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục đứng trước mục tiêu lớn, giành 20 suất tham dự Thế vận hội Olympic 2020 thời kỳ hậu COVID-19 với muôn vàn khó khăn nhưng cũng đầy khí thế và quyết tâm.