Tìm nguyên nhân thất bại của đội tuyển Việt Nam

Đội tuyển Việt Nam đã chia tay AFF Suzuki Cup 2012 một cách ê chề với một hòa, hai thua và màn trình diễn trên đất Thái Lan của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng thực sự quá tồi tệ. Mục tiêu ở một giải đấu kéo dài 1 tháng của đội tuyển Việt Nam là vào tới trận chung kết, thế nhưng đội tuyển của chúng ta chỉ trụ được vỏn vẹn 1 tuần và sớm trở thành khán giả của giải đấu...

 

Ảnh: Hải Huy-TTXVN

 

Với những gì đã xảy ra, không khó lý giải về nguyên nhân thất bại đội tuyển Việt Nam. Ngoài yếu tố về chuyên môn, nó còn xuất phát từ một loạt nguyên nhân khác như quá trình chuẩn bị chưa tốt, bỏ sót cầu thủ giỏi, phương pháp huấn luyện thể lực sai, chưa đánh giá đúng sức mạnh đối thủ, cầu thủ bị áp lực tâm lý...


Theo dõi thành phần đội tuyển Việt Nam trong các giải gần đây, có thể nói lần đầu tiên đội tuyển tham dự AFF Suzuki Cup 2012 có tuổi đời bình quân trẻ nhất, kỹ thuật cá nhân có thừa, kinh nghiệm trận mạc cũng không thiếu bởi tất cả đều đang là trụ cột trong các CLB tham dự V - League. Ở góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia nhận xét rằng, đội tuyển Việt Nam dự AFF Suzuki Cup dù chưa phải là tập hợp những gương mặt tiêu biểu nhất, nhưng nhìn toàn cục thì không đến nỗi nào. Tuy nhiên, về tư tưởng, thái độ trong thi đấu của các tuyển thủ lại thể hiện những bất ổn, họ chưa xác định rõ trách nhiệm của mình khi làm nhiệm vụ quốc gia. Bằng chứng là ở những trận giao hữu trước giải, chính họ chứ không ai khác đã gieo niềm tin rất lớn cho người hâm mộ. Tiếc một điều là khi vào cuộc chơi chính thức, khát vọng chiến thắng, sự cống hiến, tính lăn xả chỉ còn xuất hiện ở đôi ba người. Và điều này khiến đội tuyển thất bại là tất yếu. Người hâm mộ đặc biệt thất vọng với bộ mặt thiếu sinh khí, lối đá vô hồn của các tuyển thủ ở hai trận đấu gặp Mianma và Philíppin. Theo nhận xét của giới chuyên môn, trình độ của hai đội tuyển trên đều không mạnh bằng những câu lạc bộ thuộc hàng top ở V - League. Chúng ta đã tự thua chính mình, thua ở tinh thần quyết tâm thi đấu vì màu cờ sắc áo. Đáng trách hơn cả là các trường hợp cầu thủ tập luyện tốt nhưng thi đấu rất tệ. Trong sự kém cỏi về lối chơi của đội tuyển Việt Nam, xuất hiện nhiều vị trí thi đấu dưới sức như Công Vinh, Trọng Hoàng, Thành Lương, Văn Quyết... Trận thua Philíppin mới thấy rõ, đội tuyển Việt Nam cần có một thủ lĩnh thực sự, một cầu thủ có tầm vóc thực sự cả về chuyên môn lẫn bản lĩnh thi đấu.


VFF nhận trách nhiệm, HLV Phan Thanh Hùng xin từ chức Ngày 5/12, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức nhận trách nhiệm trước thất bại nặng nề của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2012. Thay mặt VFF, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng thừa nhận: VFF đã mắc một số sai lầm lớn khi đồng ý cho huấn luyện viên (HLV) Phan Thanh Hùng kiêm nhiệm. Tuy nhiên, đây cũng là bất khả kháng bởi khi Việt Nam áp dụng mô hình HLV nội, chỉ có HLV Lê Thanh Hùng là người duy nhất trong 3 người được mời chấp nhận với điều kiện cho phép kiêm nhiệm. Do thời gian diễn ra AFF Suzuki Cup đã quá cận kề, VFF buộc phải chấp nhận đề nghị trên. Sai lầm thứ hai mà VFF thừa nhận là công tác chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến bóng đá thời gian qua, đặc biệt là từ khi ông Võ Quốc Thắng sang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), tại VFF không có ai đảm nhiệm. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của đội tuyển khi tham dự AFF Suzuki Cup 2012. VFF cũng nhận trách nhiệm về việc tại vòng loại AFF Cup 2012, chất lượng thi đấu của đội tuyển Việt Nam không cao. Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong những trận đấu quyết định đó, đội tuyển Việt Nam có nhiều cầu thủ trụ cột bị chấn thương và một số cầu thủ khác thi đấu không có động lực. Liên quan đến thất bại của đội tuyển, HLV Phan Thanh Hùng cũng chính thức nhận trách nhiệm và xin từ chức. Về việc này, ông Dũng cho rằng VFF đánh giá cao sự thẳng thắn, nghiêm túc của HLV Phan Thanh Hùng; đồng thời cho biết thời gian qua, VFF đã có nhiều cuộc họp rất nghiêm túc, phân tích đánh giá, tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của tất cả các bên. Trong đó VFF quyết định chấp nhận cho HLV Hùng thôi giữ chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Mỹ Bình

Trước trận mở màn với Mianma, do thiếu vắng Nguyên Sa (bị sốt xuất huyết phải nhập viện) ở hàng tiền vệ, HLV Phan Thanh Hùng bất đắc dĩ phải sử dụng Thanh Hưng đá tiền vệ trụ và sự sa sút thể lực của cầu thủ SHB Đà Nẵng là nguyên do khiến tuyến giữa ĐT Việt Nam chơi không tốt ở giải đấu này. Tất nhiên, không thể đổ lỗi thất bại cho một sự thiếu vắng, nhưng rõ ràng mất mắt xích Nguyên Sa, lối chơi của đội tuyển Việt Nam không thể vận hành trơn tru như dự tính. Bên cạnh đó, hàng thủ có thể là tuyến yếu nhất của đội tuyển Việt Nam lần này và họa vô đơn chí, trong bối cảnh cặp trung vệ Minh Đức - Gia Từ chơi quá thiếu an toàn. Sau trận đầu tiên, hậu vệ cánh trái số 1 Văn Phong bị giãn dây chằng đành chia tay AFF Cup sớm. Âu Văn Hoàn dù chỉ nghỉ trận đấu với Philíppin, nhưng việc hậu vệ Sông Lam Nghệ An vắng mặt trong trận cầu then chốt đó khiến hàng thủ Việt Nam trở nên mong manh và chúng ta đã thua ở một trận đấu có tính quyết định ở vòng bảng. Nhìn các cầu thủ thi đấu, người hâm mộ có cảm giác là ở mọi vị trí, các cầu thủ đều thi đấu dưới sức. Một số cầu thủ thể hiện lối chơi cá nhân, ham cầm bóng, khiến lối chơi của toàn đội thiếu sự gắn kết.


Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là phương pháp huấn luyện sai về thể lực, dẫn đến các tuyển thủ đội tuyển hụt hơi khi bước vào giải đấu chính thức. Nhìn lại ba trận đấu của đội tuyển tại bảng A AFF Suzuki Cup 2012, có một điều khá lạ là các cầu thủ đội tuyển thi đấu như đi bộ trên sân, đeo bám không quyết liệt, phần lớn thất bại ở các pha tranh cướp bóng, thiếu độ nhanh, mạnh, linh hoạt ở những pha bóng cần thiết.


Trong bóng đá, thể lực có vai trò hết sức quan trọng. Có lẽ ý thức được việc này mà đội tuyển Việt Nam đã thuê hẳn một chuyên gia thể lực để chuẩn bị cho giải. Đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, có lẽ những bài tập mà HLV thể lực Dylan Kerr (người Anh) áp dụng không phù hợp với thể trạng của cầu thủ Việt Nam. Đội tuyển có hơn 2 tháng để chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup, nhưng lại dành đến hai giai đoạn cho việc nhồi thể lực cho các tuyển thủ tại Nha Trang. Theo các chuyên gia bóng đá, sau mỗi đợt tập huấn nặng về sức bền thể lực, các cầu thủ phải có tối thiểu 10 - 15 ngày để nhả khối lượng, thư giãn cơ bắp đã bị mỏi và dần tái tạo sức nhanh. Thế nhưng, không hiểu lý do gì, ban huấn luyện lại quyết định đưa đội tuyển ra Nha Trang tập nặng rồi đá liên tục 3 - 4 trận, sau đó tiếp tục trở lại Nha Trang để nhồi thể lực và bước vào giải AFF Suzuki Cup. Có lẽ, sai lầm trong chu trình huấn luyện thể lực khiến các cầu thủ không phát huy được khả năng tại giải. Các cầu thủ không có thời gian nhả khối lượng đã tập nặng khiến sức ì rất lớn và dẫn đến chấn thương khi thi đấu. Nhiều chuyên gia nhận xét, giáo án thể lực của ông Dylan Kerr thích hợp cho cuộc đấu marathon như V - League hơn là áp dụng cho một giải đấu như AFF Suzuki Cup.


Không biết, những người có trách nhiệm với đội tuyển có biết giáo án huấn luyện của HLV Dylan Kerr không? Còn nếu biết mà không ai dám góp ý cho ban huấn luyện vì sợ trách nhiệm, thì quả là đáng trách.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN