Chinh phục SEA Games và thế giới
Có thể thấy thể thao Việt Nam ngày một lớn mạnh ở đấu trường khu vực. Năm 1959, Việt Nam là một trong 6 nước thành viên sáng lập Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Sau 7 lần tham gia, thể thao Việt Nam đã đạt được thành tích nổi bật ở các môn: Bóng bàn, Bắn súng, Quần vợt, Bơi, Xe đạp, Bóng đá (vô địch năm 1959), Bóng chuyền nam (vô địch năm 1967).
Đến năm 1989, thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 15 (SEA Games 15) ở Kuala Lumpur (Malaysia) với 46 vận động viên, thi đấu ở 8 môn và giành 19 huy chương (3 huy chương Vàng, 11 huy chương Bạc và 5 huy chương Đồng), xếp vị trí thứ 7/9 nước tham dự.
Những kỳ SEA Games tiếp theo, thể thao Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu các nước tham dự, nhất là tại SEA Games 22 năm 2003.
Các VĐV taekwondo Việt Nam nhận HCV nội dung đồng đội quyền nữ tại SEA Games 29. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Gần đây nhất, Đoàn thể thao Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi giành vị trí thứ 3 toàn đoàn tại SEA Games 29 ở Kuala Lumpur (Malaysia) với 58 huy chương Vàng, 50 huy chương Bạc và 60 huy chương Đồng.
Thành tích thi đấu của các vận động viên cho thấy, thể thao Việt Nam rất vững vàng ở các môn cơ bản của phong trào Olympic quốc tế, gồm Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Đấu kiếm... Điều này cho thấy, thể thao Việt Nam đã đúng hướng khi chuyển từ đầu tư dàn trải, tốn kém, nhưng hiệu quả thấp sang đầu tư trọng điểm, lấy trọng tâm là đấu trường ASIAD và Olympic.
Và điền kinh là môn đã ghi dấu ấn lớn nhất cho thể thao nước nhà tại đấu trường SEA Games, bù đắp cho những môn thi đấu khác. Các vận động viên đã rất xuất sắc giành tới 17 huy chương Vàng, vượt mặt Thái Lan, trở thành quốc gia mạnh nhất trong môn thể thao “nữ hoàng” tại Đông Nam Á.
Ở môn bơi, Việt Nam giành 10 huy chương Vàng, đứng thứ 2 khu vực, chỉ sau cường quốc bơi châu Á là Singapore…
Không chỉ có SEA Games, thể thao Việt Nam “chinh chiến” ở nhiều đấu trường quốc tế lớn khác như ASIAD, Olympic và đã có những dấu ấn đáng tự hào. Đó là huy chương Vàng và Bạc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio năm 2016; huy chương Vàng tại Paralympic Rio năm 2016 của lực sỹ Lê Văn Công;
Đầu tư để tiếp tục tỏa sáng
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng: Đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra tại SEA Games 29. Tuy vậy, thể thao Việt Nam sẽ không chỉ hài lòng với thành tích cấp khu vực mà mong muốn được tỏa sáng trên bục vinh quang tại đấu trường ASIAD 19 (năm 2018) và Olympic Tokyo (năm 2020).
Được biết, ngay sau SEA Games, Tổng cục Thể dục Thể thao và các đơn vị chức năng sẽ tiến hành rà soát lại danh sách vận động viên trọng điểm, tìm kiếm các vận động viên trẻ tài năng để đầu tư 3 trọng điểm: vận động viên, nội dung, môn thi đấu… Dự kiến sẽ có khoảng 100 vận động viên được đầu tư trọng điểm để chuẩn bị cho ASIAD năm 2019.
Ở hai đấu trường này, trong thời gian tới, thể thao Việt Nam có nhiều lợi thế, từ việc hỗ trợ từ chuyên gia, công tác tập huấn của nước chủ nhà Nhật Bản. Ngành thể dục thể thao đã sớm hoạch định, đầu tư cho các môn thể thao và vận động viên trọng điểm nên cũng có kỳ vọng, tin tưởng rằng thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục làm nên lịch sử tại kỳ Olympic Tokyo năm 2020 tới đây.
Để làm tốt được việc này, mỗi vận động viên cần luôn nỗ lực tập luyện, quyết tâm thi đấu ở các giải quốc tế (đặc biệt là các giải thế giới), giành được càng nhiều suất tham dự Olympic thì cơ hội để thể thao Việt Nam tiếp tục tỏa sáng càng nhiều.
Ngoài ra, để một nền thể thao phát triển bền vững, ngành thể dục thể thao nước nhà sẽ đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phong trào thể thao quần chúng không chỉ góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc của người dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh mà còn xây dựng nền tảng cho phát triển thể thao thành tích cao...