Cuối năm 2010, bằng sự ra đời của Chiến lược phát triển đến năm 2020, Thể thao Việt Nam (TTVN) chính thức hướng tầm mục tiêu lên đấu trường châu lục và thế giới, sau hàng thập kỷ cứ quẩn quanh trong sân chơi khu vực. Nhưng khi mà SEA Games 26 thực sự cận kề, thì cái chuyện thoát khỏi cái "ao làng" kia, hóa ra lại... chẳng dễ dàng gì!
1. Lẽ dĩ nhiên, để nâng tầm mục tiêu thì việc ra đời bản chiến lược rõ ràng là chưa đủ mà đòi hỏi cả quá trình triển khai, thực hiện mang tính tổng thể. Hơn thế, ASIAD thì còn tới 3 năm nữa mới diễn ra, trong khi sân chơi Olympic ngày càng trở nên quá tầm mà thất bại của tuyển thủ điền kinh Trương Thanh Hằng mới đây là minh chứng. Vì thế, dù muốn hay không, TTVN vẫn phải tập trung cho SEA Games 26, cái sân chơi quốc tế quan trọng nhất trong năm 2011 mà ở đó, cứ là cái sức ép đã cũ - Giành thật nhiều HCV để đứng trong tốp đầu, trước khi nghĩ đến chuyện tích lũy để nâng tầm thực sự.
Đứng trong tốp đầu ở đây được hiểu là một vị trí trong 3 đoàn dẫn đầu đại hội. Đơn giản, kể từ năm 2002, khi TTVN với tư cách chủ nhà đăng quang ngôi vô địch, thì chúng ta chưa bao giờ nằm ngoài nhóm 3 quốc gia dẫn đầu các kỳ đại hội. SEA Games 26 tới cũng không là ngoại lệ, mặc cho nước chủ nhà Inđônêxia đưa vào hàng loạt những thế mạnh riêng, thì với thực lực và vị thế hiện tại của mình, TTVN đủ khả năng để hoàn tất chỉ tiêu đó. Thừa nhận là khó "đếm" chính xác số Vàng sẽ giành được, nhưng qua trao đổi với báo giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tham dự SEA Games 26, ông Lâm Quang Thành đã mạnh dạn tuyên bố - Ít nhất cũng giành được 70 HCV! Con số mà theo tính toán là đủ để đưa TTVN có mặt trong tốp đầu.
Kình ngư Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng) niềm hy vọng tại SEA Games 26. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN. |
2. Cũng theo tính toán của các nhà quản lý, tại SEA Games 26, nước chủ nhà đưa vào thi đấu chính thức 42 môn gồm 454 nội dung và Đoàn TTVN đã quyết định tham dự chính thức 30 môn cùng một số môn theo hình thức xã hội hóa như: Leo tường, đánh bài, lướt ván, patin, dù lượt, soft ball, soft tennis, bowling... với thành phần lên tới gần 600 VĐV cùng nguồn kinh phí tham dự dự kiến cũng là gần 700.000 USD.
Đưa vào toàn bộ lực lượng mạnh nhất, kể cả những môn thể thao chỉ mang tính thời điểm mà ai cũng biết khó có thể duy trì sau kỳ SEA Games này, nhưng mục tiêu Vàng của TTVN thì vẫn được đặt vào những thế mạnh đã cũ như: võ thuật, bắn súng, lặn, cờ... bên cạnh đó là áp lực phải đạt thành tích tốt với các môn trong hệ thống thi đấu Olympic và ASIAD như: Điền kinh, bơi...
Tóm lại, trước khi quên đi cái "ao làng", TTVN vẫn cần phải có được chỗ đứng hàng đầu tại khu vực, để làm bàn đạp hướng tới đấu trường cao hơn. Và vấn đề đặt ra ở đây là bên cạnh số lượng, thì điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của các tấm huy chương. Ai trong số 600 VĐV Việt Nam sẽ giành được vé tham dự Olympic trên đất Inđônêxia và qua kỳ SEA Games này, có bao nhiêu gương mặt nữa sẽ đủ sức tranh chấp huy chương ASIAD năm 2014? Đó mới là mục tiêu quan trọng nhất, thay vì chuyện "đếm Vàng" để "tính chuyện ngôi đầu".
3. Và nhắc đến SEA Games thì không thể không nói đến bóng đá nam với giấc mơ Vàng đã dang dở tới hàng thập kỷ. Với việc bóng đá nữ bị nước chủ nhà Inđônêxia loại khỏi chương trình thi đấu, thì rõ ràng và sức ép càng đè nặng hơn lên bóng đá Việt Nam mà ngoài chức vô địch, mọi kết quả khác của đội tuyển U23 nam quốc gia sẽ đều là thất bại.
Ai cũng hiểu chức vô địch không chỉ là chỉ tiêu mà còn là thách thức chung cho cả nền bóng đá và là đòi hỏi chính đáng của hàng triệu trái tim người hâm mộ đã mỏi mòn vì chờ đợi. Ấy vậy mà trong buổi họp mới đây của Ban Chỉ đạo SEA Games 26, thật ngạc nhiên khi bóng đá nam không đăng ký... chỉ tiêu Vàng, theo đề xuất từ VFF với lý do "tế nhị" - Tránh gây sức ép cho các tuyển thủ (!?). Cái sức ép mà lý ra, từ những nhà quản lý chuyên môn tới cầu thủ phải biết chấp nhận, để rồi vượt qua.
Tất nhiên, trái bóng tròn và chẳng ai có thể nói trước được điều gì. U23 Việt Nam có thể thất bại (ai cũng có thể thất bại) khi đã nỗ lực hết sức mình, nếu đối phương mạnh hơn. Nhưng nếu không biết đối diện với sức ép bằng cách đổ thừa cho nỗi lo tâm lý, thì đó là sự thiếu trách nhiệm của chính những nhà quản lý, điều hành. Chẳng lẽ với thể thao Việt, cứ chăm chắm vào chuyện ngôi đầu SEA Games còn bóng đá vẫn chỉ là... giấc mộng "ao làng"?
Vũ Minh