Khi bắt đầu chơi bóng đá ở tuổi 11, Carol Thomas, huyền thoại bóng đá nữ của Anh giai đoạn những năm 70-90, không hề biết rằng Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) không cho phép phụ nữ vào sân. Lệnh cấm được ban hành vào năm 1921 và tồn tại cho đến tận năm 1970 vì bóng đá được coi là “không phù hợp với phụ nữ”. Sau đó, bà Thomas đã tỏa sáng mạnh mẽ và trở thành đội trưởng của Tam sư ở tuổi 20 nhưng bà phải tự chi trả tiền cho việc đi lại của bản thân, kể cả trong các giải đấu quốc tế.
Trái với sự mong đợi của cả đội tuyển, không có phương tiện truyền thông nào quan tâm đến việc đưa tin về các trận thi đấu bóng đá nữ lúc đó. Đồng đội của bà, Gillian Coultard, nữ tuyển thủ Anh từng góp mặt ở World Cup 1995, đã mô tả các nữ cầu thủ của thập niên 1980 và 1990 là “thế hệ thầm lặng”.
Theo nhận định của phóng viên TTXVN tại Anh, tình trạng thờ ơ với bóng đá nữ đã đảo ngược hoàn toàn vào thời điểm hiện tại. Vào năm 2021, một thế kỷ sau lệnh cấm, FA đã phát động chiến dịch với tên gọi #LetGirlsPlay để giúp trẻ em nữ tiếp cận bình đẳng với bóng đá trong các cộng đồng và trường học vào năm 2024. Nếu mục tiêu này của FA sớm đạt được, thành công này chính là nhờ phần lớn vào đội tuyển bóng đá nữ quốc gia hiện tại.
Năm 2022, Tam sư đã đánh bại Đức với tỷ số 2-1 sau hiệp phụ trong trận chung kết giải vô địch châu Âu - Euro. Tại World Cup đang diễn ra, họ gặp đội chủ nhà Australia trong trận bán kết vào ngày 16/8. Dù thắng hay thua, các tuyển thủ Anh đều được coi là nữ anh hùng.
Thành công của họ có hai hệ quả quan trọng.
Có thể thấy sự cuồng nhiệt dành cho bóng đá nữ đang bùng nổ khi số lượng khán giả xem các trận đấu thuộc Giải bóng đá nữ của Anh tăng chóng mặt. Điều đó sẽ thu hút nhiều khoản đầu tư hơn cho phái yếu trong môn thể thao vua. Không kém phần quan trọng, các tuyển thủ nữ đã truyền cảm hứng cho nhiều cô gái chơi bóng hơn. Điều này thể hiện rõ trên các sân bóng. Một cuộc khảo sát tại các trường tiểu học đã phát hiện ra rằng số học sinh nữ chơi bóng đá vào giờ giải lao hàng ngày đã tăng từ 22% vào tháng 7 năm ngoái lên 32% vào tháng 7 này. Số trường tiểu học có đội bóng đá nữ hoặc nam nữ tăng từ 61% lên 71%.
Bên ngoài trường học, số lượng các câu lạc bộ thành lập mới tăng như nấm sau mưa. Khi Maeve Fitzgerald, một tiền vệ 12 tuổi ở phía nam London, được người dân địa phương ví von như Kevin De Bruyne của Manchester City, muốn gia nhập một câu lạc bộ cách đây 5 năm, cha mẹ cô đã phải vật lộn để tìm được một câu lạc bộ. Bây giờ cô là thành viên của hai câu lạc bộ và thi đấu hai trận một tuần.
Nhiều phụ nữ cũng đang trở thành huấn luyện viên. Ella Cahoon, 30 tuổi, đã chơi bóng từ năm 8 tuổi, đã tham gia tình nguyện cho một câu lạc bộ ở phía đông nam London sau khi Tam sư vô địch Euro. Cô cho rằng thách thức lớn nhất, bên cạnh việc đảm bảo rằng các cô gái có cơ hội tham gia các đội ở mọi cấp độ, là khuyến khích họ tiếp tục chơi bóng sau tuổi dậy thì.
FA nói rằng ở trường tiểu học, 72% nữ sinh chơi bóng đá nhiều như nam sinh nhưng con số đó giảm xuống còn 44% ở trường trung học. Chính phủ đã giới thiệu một chương trình “hình cánh diều” cho các trường học mang lại cơ hội thể thao bình đẳng cho nam và nữ.
Trong khi con trai từ các hộ gia đình thuộc mọi mức thu nhập chơi bóng đá, thì ở các bé gái, việc chơi bóng đá có vẻ nhiều hơn đối với các gia đình trung lưu. Điều đó có thể phản ánh một phần chi phí và thời gian cần thiết để đưa đón trẻ em gái luyện tập và các môn thể thao phân tán hơn nên đòi hỏi phải đi lại nhiều hơn so với các em trai.
Bernie Butler, có cô con gái 12 tuổi Charlotte đang chơi cho một câu lạc bộ ở phía nam London, cho biết hầu hết các đồng đội của con gái cô là người da trắng và hầu hết thuộc tầng lớp trung lưu.
Ngoài ra, một trở ngại tâm lý trước đây có thể đang biến mất. Huấn luyện viên Cahoon nhớ lại trước đây, các nam sinh ở East Midlands thường chế nhạo các nữ sinh mỗi khi họ yêu cầu sử dụng cột gôn của trường nhưng giờ thì không. Ngoài ra, các học sinh nữ giờ có thể chơi vui vẻ với các cậu bé trong sân chơi và các em trai thường xuất hiện để hỗ trợ các bạn nữ chơi bóng.