Sức lan tỏa của Vovinam

Sau hơn 70 năm ra đời, Vovinam đã phát triển sâu rộng trên toàn thế giới. Môn võ cổ truyền này chính là một kênh truyền tải giá trị đạo lý, lối sống, văn hóa và hình ảnh đất nước Việt Nam đến bạn bè 5 châu.

 

Một màn biểu diễn Vovinam.


Có thể nói, Vovinam - Việt Võ Đạo, là môn võ “quốc hồn, quốc túy” của người Việt Nam. Qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, những cây đại thụ của Vovinam đã đúc kết những cái hay, cái đẹp ở các kỹ thuật võ và vật, để biến Vovinam trở thành môn võ có tính áp dụng cao trong thực tiễn chiến đấu. Đặc biệt phải kể đến cố võ sư Nguyễn Lộc, người đã sáng tạo môn võ này vào năm 1938 và có công phối hợp tinh hoa các môn võ theo nguyên lý Nhu Cương, phù hợp thể trạng người Việt.


Sau một thời gian bị cấm tại Sài Gòn, đến năm 1964, phong trào Vovinam mới được khôi phục lại. Cũng kể từ thời điểm đó, màu áo xanh như hiện tại đã được lựa chọn là võ phục truyền thống của Vovinam, trong khi một số võ sư như Lê Sáng, Trần Huy Phong, Nguyễn Văn Thư... đã soạn thảo Quy lệ môn phái và phương hướng chấn hưng, phát triển môn võ của người Việt này. Trong thời gian ngắn, số người theo tập Vovinam đã tăng nhanh và thậm chí lan tỏa sang nhiều nước như Pháp, Italia, Đức, Thụy Sỹ... từ những năm 1970. Bây giờ thì rất nhiều quốc gia từ châu Âu, châu Úc, châu Phi, đến châu Mỹ, đã có đông đảo VĐV theo tập Vovinam một cách có hệ thống.


Nhưng khoảng 10 năm gần đây, phong trào Vovinam mới phát triển rầm rộ, nhất là khi Liên đoàn Vovinam Việt Nam được thành lập năm 2007. Với mục tiêu đưa Vovinam vào thi đấu ở các giải khu vực, châu lục và xa hơn nữa là Olympic, phong trào đã trở nên quy củ, chặt chẽ hơn, từ khâu tuyển chọn cho đến tập luyện. Sự xuất hiện nhiều phong trào tập Vovinam đã thúc đẩy sự ra đời của Liên đoàn Vovinam thế giới (IVF) vào năm 2008 tại TP Hồ Chí Minh. Trước đó, Tổng Liên đoàn Việt Võ Đạo thế giới cũng được thành lập trước đó nhằm quảng bá môn Vovinam. Sự xuất hiện Liên đoàn Vovinam châu Âu, châu Á... càng thúc đẩy sự phát triển của Vovinam trong những năm qua.


Thông qua Vovinam, những giá trị đạo lý, lối sống, văn hóa và hình ảnh đất nước Việt Nam sẽ xâm nhập sâu hơn trong lòng bạn bè thế giới.

Có thể coi năm 2009 là cột mốc đánh dấu sự thăng hoa môn võ này, khi Vovinam được đưa vào môn thi đấu tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà, tổ chức tại Việt Nam. Không lâu sau đó, giải vô địch Vovinam thế giới lần đầu tiên được tổ chức ở TP. HCM, đã tạo bước ngoặt cho bộ môn này, khi có đông đảo các VĐV Vovinam trên toàn thế giới tụ hội về. Qua 3 giải đấu (2009, 2011, 2013), Việt Nam đều đứng giải nhất. Sau khi giải đấu được tổ chức thành công ở Pháp vừa qua, IVF đang muốn đưa giải vô địch Vovinam thế giới lần thứ 4 sang Mỹ, để quảng bá sâu rộng hơn về Vovinam.


Những người theo đuổi Vovinam cũng vui mừng, khi Vovinam đã được chọn là môn thi đấu chính ở SEA Games 2011 tại Indonesia. Tại giải đó, Việt Nam cùng chủ nhà Indonesia chia sẻ ngôi đầu (cùng 5 HCV trong số 14 bộ huy chương), nhưng điều quan trọng là môn võ Việt đã được bạn bè khu vực và thế giới sẵn sàng tiếp nhận. Myanmar cũng đã đưa Vovinam vào chương trình thi đấu ở SEA Games 27, với 18 bộ huy chương (6 HCV đối kháng và 12 HCV đấu quyền).


Với sức mạnh thể hiện rõ ở 3 giải vô địch thế giới vừa qua, Vovinam Việt Nam không khó có ngôi nhất toàn đoàn ở SEA Games 27. Nhưng làm sao tạo sự hứng thú, để các đoàn thể thao Đông Nam Á khác cũng lựa chọn môn Vovinam là môn thi đấu các kỳ SEA Games tiếp sau mới là điều quan trọng. Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, ông Lê Quốc Ân chia sẻ: “Thời gian qua, các VĐV Vovinam của Myanmar đã sang Việt Nam tập luyện và có bước phát triển tốt. Chắc chắn, đoàn Vovinam Myanmar sẽ gặt hái nhiều thành công tại giải. Riêng Vovinam Việt Nam khi tham dự SEA Games sẽ không chỉ đặt mục tiêu thành tích, mà còn muốn thể hiện tinh hoa, nét đẹp trong các thế võ. Đưa khẩu hiệu ‘Học võ Việt, yêu nước Việt’ tới thế giới mới là mục tiêu lớn nhất của chúng tôi”.


Sức lan tỏa của Vovinam sau hơn 70 năm hình thành và phát triển đang có bước tiến đáng mừng, bạn bè khắp 5 châu đều thích thú tập luyện môn võ này. Thông qua Vovinam, những giá trị đạo lý, lối sống, văn hóa và hình ảnh đất nước Việt Nam sẽ xâm nhập sâu hơn trong lòng bạn bè thế giới. Thế nên, theo Chủ tịch IVF Nguyễn Danh Thái, Vovinam không chỉ là môn võ mà nó còn là hình ảnh, nét văn hóa thắm đượm tình bằng hữu, nhân sinh quan của người Việt gửi gắm qua từng động tác võ được đúc kết qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước.



Nguyễn Tuấn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN