Sự thờ ơ đáng sợ

Bức tranh bóng đá Việt Nam đang ở thời điểm hết sức u ám khiến những ai quan tâm đến bóng đá nước nhà không khỏi lo lắng, nhất là sau thất bại nặng nề của đội tuyển quốc gia ở vòng loại châu Á vừa mới diễn ra. Có luồng dư luận đổ lỗi cho sự sa sút của bóng đá nước nhà trước hết là do thái độ thờ ơ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với đội tuyển quốc gia, với công tác đào tạo bóng đá trẻ và việc bảo vệ quyền lợi của cầu thủ trong bối cảnh liên tiếp xảy ra những vụ kiện các câu lạc bộ nợ lương, sa thải cầu thủ vô cớ...


Nhiều người nói, đó là sự thật đáng sợ và nếu tiếp tục kéo dài, nó sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và thành tích của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế, trước mắt là thành tích của các đội tuyển ở các giải đấu quan trọng vào năm 2014 (Giải vô địch bóng đá nữ châu Á, Vòng chung kết giải trẻ U19 châu Á, AFF Cup 2014...) và lâu dài, sẽ khó có thể kỳ vọng vào một đội tuyển có chất lượng cao tại ASIAD 2019...


Trước hết, vai trò của VFF trong việc đào tạo cầu thủ trẻ hiện nay hết sức mờ nhạt, nếu chưa muốn nói đó là con số không tròn trĩnh. Nó thể hiện qua việc kinh phí VFF đầu tư cho công tác đào tạo trẻ VFF quá thấp. Một cán bộ có gần 10 năm làm công tác đào tạo trẻ tại một trung tâm có tiếng cho biết: 10 tuổi, các em được tuyển chọn vào trung tâm để đào tạo đến 18 tuổi mới kết thúc giai đoạn huấn luyện căn bản. Sau đó, mất thêm 3 năm để đào tạo nâng cao mới mong đá được ở V.League. Điều này đồng nghĩa, phải mất hơn 10 năm mới đào tạo một cầu thủ thành tài. Trung bình chi phí cho mỗi cầu thủ tối thiểu là 200 triệu đồng/năm, bao gồm ăn uống, dinh dưỡng, y tế, học văn hóa, trang phục thi đấu và tập luyện, tiền di chuyển thi đấu... Trong khi đó, kinh phí đào tạo trẻ VFF bỏ ra mỗi năm là 8 tỉ đồng cho 60 cầu thủ (U16 nam và U19 nữ) đang tập trung ở Trung tâm đào tạo trẻ VFF. Tính trung bình, mỗi cầu thủ được VFF chi khoảng 100 triệu đồng/năm. Với mức chi như vậy thì làm sao có được tài năng như mong đợi.


Ở một góc cạnh khác, cũng thể hiện sự thờ ơ đáng trách của VFF. Cách đây chưa lâu, rất nhiều cầu thủ K.Kiên Giang đã có đơn khiếu kiện gửi nhờ VFF can thiệp việc CLB nợ lương cầu thủ kéo dài, nhưng VFF cũng chối bỏ trách nhiệm, bằng cách giải thích, đó là mối quan hệ nội bộ giữa cầu thủ với câu lạc bộ thông qua hợp đồng lao động, còn VFF không liên quan đến chuyện nợ nần của CLB... Gần đây nhất, khi hai cầu thủ Chí Công và Đình Đức có đơn kêu cứu gửi VFF về việc họ bị CLB B.Bình Dương thanh lý hợp đồng không đúng luật và không chịu thanh toán nốt khoản phí “lót tay” cho họ, nhưng thật tiếc, VFF cũng giữ thái độ khá thờ ơ, bỏ qua đơn kêu cứu khẩn cấp của các cầu thủ. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, không chỉ các cầu thủ của K.Kiên Giang hay B.Bình Dương... rơi vào tình cảnh túng quẫn, mà có rất nhiều cầu thủ đã bị đẩy ra đường, sống vất vưởng; quyền lợi của họ thường bị các ông bầu thao túng, bỏ mặc như việc nợ lương, thưởng.


Từ những vụ việc nêu trên đã đặt ra câu hỏi là, ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cầu thủ?


Những sự việc vừa nêu đã cho thấy sự thờ ơ đáng sợ, nhưng sẽ còn đáng sợ hơn, nếu như VFF tiếp tục thờ ơ với tương lai của bóng đá Việt Nam?

 

Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN