Không danh hiệu, không tiền thưởng sau mùa giải 2013, Sông Lam Nghệ An lại tất bật với cuộc sống thắt lưng buộc bụng, chi tiêu dè xẻn. Đau đớn hơn, thay vì chèo kéo để giữ chân các cầu thủ trụ cột, lãnh đạo SLNA lại khá bình thản trước những cuộc ra đi và coi đó như một điều tất yếu.
Tiếng gọi đồng tiền
Theo nguồn tin của Tin Tức, bước vào mùa giải 2014, SLNA cũng sẽ chỉ nhận được 50 tỷ đồng từ nhà tài trợ chính Ngân hàng Bắc Á và UBND tỉnh Nghệ An, trong khi số cầu thủ thuộc diện hết hợp đồng lên đến 12 người. Điều này đặt ra một bài toán kinh phí quá ư hóc búa đối với SLNA: Làm sao có thể cân đối giữa ngân sách hoạt động của đội bóng và khoản tiền để giữ chân các ngôi sao?
SLNA không thể giữ chân những cầu thủ như Trọng Hoàng (phải) và Văn Hoàn. |
SLNA trước đó đã nhiều lần đưa vấn đề này ra bàn bạc với NH Bắc Á và cả một nhà tài trợ khác là hãng sữa TH, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Còn nhớ cách đây vài mùa giải, khi SLNA chính thức được bán cho NH Bắc Á kèm theo nhiều ưu đãi và khi cái tên Phạm Văn Quyến ít nhiều vẫn có tiếng vang, SLNA đã được nhà tài trợ “bật đèn xanh” phải giữ chân sút số 10 này bằng mọi giá. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác. Không nhận được sự hậu thuẫn tốt nhất từ nhà tài trợ, SLNA đang lâm vào khó khăn. Khoản tiền quyên góp lên đến gần 700 triệu đồng của người hâm mộ, nhằm giúp CLB giữ chân cầu thủ là rất đáng trân trọng, nhưng xem ra, cũng chỉ như muối bỏ bể và chỉ bằng 1/10 so với con số 7 tỷ đồng lót tay của Nguyễn Trọng Hoàng khi về với Becamex Bình Dương.
Tuy nhiên, nhìn đi nhìn lại, thì những cuộc “đào tẩu” của trụ cột tuyến giữa Hector, rồi của đội trưởng Trọng Hoàng, tiền vệ Hoàng Văn Bình, hậu vệ Âu Văn Hoàn, với những bản hợp đồng thuộc diện “bom tấn” trong thời buổi khủng hoảng kinh tế như hiện nay, cũng không phải là điều gì quá mới mẻ đối với SLNA. Vốn là cái nôi sản sinh nhiều nhân tài bóng đá, SLNA từng không ít lần cay đắng “nuốt nước mắt vào trong” chứng kiến cảnh cầu thủ lần lượt dứt áo ra đi. Có thể kể ra đây một loạt cái tên đình đám nổi danh từ lò SLNA, như: Lê Công Vinh, Dương Hồng Sơn, Nguyễn Minh Đức…
Những cầu thủ sẵn sàng ra đi hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vào thời điểm này, SLNA đang nỗ lực đàm phán để giữ chân Nguyễn Quang Tình và Trần Đình Đồng, với mức khoảng 700 triệu/mùa giải. Nhưng mặc dù cả hai cầu thủ này đều rất muốn ở lại Nghệ An vì có nhiều ràng buộc ở đây (Đình Đồng có em đang tập ở SLNA, Quang Tình đã mua đất và dự định làm nhà ở Vinh), nhiều khả năng họ vẫn sẽ cân nhắc rời đội bóng quê hương bởi nguồn tài chính của SLNA không cho phép chi 2,5 tỷ đồng trong 2 mùa giải theo yêu cầu của mỗi cầu thủ.
Mất nhiều trụ cột nhưng SLNA không thu được bất cứ một đồng nào, bởi theo luật, các cầu thủ trên đã hết hợp đồng đào tạo với SLNA từ lâu. Năm 2012, từng có dự thảo về việc tăng tuổi chuyển nhượng cầu thủ từ 23 lên 25, do cầu thủ Việt Nam phát triển chậm hơn nước ngoài và chuyển nhượng ở 23 tuổi là quá thiệt thòi cho công sức đào tạo của CLB. Nhưng dù nhận được sự tán thành từ các CLB lẫn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), điều này lại đi ngược với luật lao động, vì thế không thể hoàn thiện.
“Măng” có kịp mọc?
SLNA giờ chỉ còn biết trông chờ vào dàn cầu thủ trưởng thành từ giải U21 quốc gia đang bắt đầu vào độ chín. Ngoài Ngô Hoàng Thịnh đã kinh qua mấy mùa V- League, thì những Trần Phi Sơn, Quế Ngọc Hải, Trần Đình Hoàng, Phạm Mạnh Hùng, Hồ Sỹ Sâm, Hồ Khắc Ngọc, Vũ Quang Nam… cũng đang dần tạo được niềm tin nơi người hâm mộ. Nhiều cái tên trong số đó cũng đang có mặt trong màu áo U23 Việt Nam. Chưa nói đến việc Công Vinh sẽ trở về tiếp tục cống hiến cho SLNA sau khi kết thúc hợp đồng tại Consadole Sapporo (ngày 1/1/2014).
“Đời cầu thủ ngắn lắm, nên việc họ tính chuyện kinh tế cũng là điều tất yếu. Lãnh đạo SLNA rất thông cảm với các cầu thủ và không trách khi họ quyết định ra đi. Mình nghèo nên đành phải chấp nhận cảnh chảy máu tài năng”. Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA |
Trao đổi với Tin Tức về sự ra đi của các trụ cột sau mùa giải 2013, ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA, cho biết: “Lãnh đạo SLNA không hay biết gì về việc Bình Dương và các cầu thủ này đàm phán với nhau, chỉ đến khi Trọng Hoàng, Văn Bình, Âu Văn Hoàn lên gặp lãnh đạo CLB xin thanh lý hợp đồng thì mọi người mới ngã ngửa. Biết làm sao được! Đời cầu thủ ngắn lắm, nên việc họ tính chuyện kinh tế cũng là điều tất yếu. Lãnh đạo SLNA rất thông cảm với các cầu thủ và không trách khi họ quyết định ra đi. Mình nghèo nên đành phải chấp nhận cảnh “chảy máu” tài năng. Bây giờ, chúng tôi hy vọng lứa trẻ có thể lấp được chỗ trống trong đội hình”.
SLNA rồi sẽ lại tự mình vượt qua khủng hoảng, như cái cách họ đã làm được từ trước tới nay. Biết làm sao được, khi bài toán kinh phí luôn là căn bệnh kinh niên đeo bám SLNA hết mùa giải này đến mùa giải khác.
Phương Thảo