Pencak silat Việt Nam và những người hâm mộ thể thao đang phản đối việc nước chủ nhà Inđônêxia từ chối cho phép Việt Nam được cử hai trọng tài làm nhiệm vụ tại SEA Games 26, đồng thời xếp Việt Nam vào nhóm các nước “chiếu dưới”, dù đang là ĐKVĐ châu Á và thế giới ở bộ môn pencak silat.
Tức nhau... “tiếng gáy”
Inđônêxia vẫn luôn bị Việt Nam qua mặt ở môn pencak silat trong tất cả các giải đấu lớn nhỏ trên thế giới. Thay vì tìm cách khẳng định lại vị thế và quyết đấu sòng phẳng trên võ đài thì Inđônêxia lại tìm cách hạn chế sức mạnh của pencak silat Việt Nam. Ngay sau khi giành quyền đăng cai SEA Games 26, Inđônêxia đã lên kế hoạch “đánh bại” pencak silat Việt Nam bằng những “tiểu xảo” của mình. Đầu tiên, nước chủ nhà loại 5 nội dung mạnh nhất của pencak silat Việt Nam, những hạng cân mà Inđônêxia chắc chắn không có cửa tranh HCV. Đây là điều sớm được dự báo bởi nước chủ nhà luôn có quyền trong việc hạn chế thế mạnh của các đối thủ.
Dự báo các vận động viên pencak silat của Việt Nam sẽ gặp khó khăn tại SEA Games 26. Ảnh: Ngọc Trường - TTXVN |
Chưa dừng lại ở đó, Inđônêxia còn tìm cách làm giảm uy tín của pencak silat Việt Nam. Còn nhớ, giải vô địch thế giới pencak silat tổ chức tại Giacácta, Inđônêxia từ ngày 12 đến 17/12/2010, các thành viên tuyển pencak silat Việt Nam đã bị hành hung ngay khi các trận đấu vẫn đang diễn ra. Theo đúng quy định của Liên đoàn pencak silat thế giới, Inđônêxia sẽ bị cấm thi đấu hoặc ít nhất là phạt tiền, thế nhưng, do những chiếc ghế của Liên đoàn pencak silat thế giới đều là người của Inđônêxia, nên BTC giải, Liên đoàn pencak silat thế giới, Liên đoàn pencak silat Inđônêxia chỉ xin lỗi các thành viên tuyển Việt Nam cũng như các đoàn khác. Năm nay, quốc gia này còn khiến dư luận trong khu vực bức xúc với việc đơn phương từ chối cho phép Việt Nam được cử 2 trọng tài làm nhiệm vụ, mà chỉ xếp Việt Nam ngang suất với những quốc gia kém phát triển về pencak silat như: Campuchia, Lào, Đông Timor, Mianma. Ai cũng biết cách “xếp hạng” của Inđônêxia là rất vô lý bởi Việt Nam đang là đương kim vô địch thế giới, châu Á và cả ĐNA. Đó chẳng khác nào là một sự xúc phạm.
Chuẩn bị tinh thần
Trước sự chèn ép từ phía Inđônêxia, lãnh đạo pencak silat Việt Nam đang rất bức xúc. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao kiêm trưởng đoàn pencak silat Việt Nam cho biết: “Hành động của Inđônêxia thể hiện sự bất lực của nước này trong việc đánh bại pencak silat Việt Nam. Điều đó thật khó chấp nhận”. Sau khi quyết định gây tranh cãi này được công bố, thông tin từ Tổng cục TDTT và bộ môn pencak silat cho biết, đã gửi đơn kiến nghị lên Liên đoàn pencak silat thế giới yêu cầu can thiệp về vụ việc lần này. Dù vậy, theo một số lãnh đạo pencak silat Việt Nam, một khi Inđônêxia đã cố tình làm những việc này thì cũng khó thay đổi được, bởi dù sao, họ đang là nước chủ nhà.
Như vậy, tại SEA Games 26, gần như chắc chắn sẽ xảy ra chuyện các võ sĩ của Việt Nam bị xử ép liên quan đến công tác chấm điểm của các trọng tài. Quá trình thi đấu chứng minh, những quyết định hậu trường, đặc biệt với môn chấm điểm nặng về cảm tính như pencak silat thì vai trò của trọng tài là cực kỳ quan trọng. Với việc chỉ có 1 trọng tài làm nhiệm vụ, trong khi các nước khác có đến 2, pencak silat Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt thòi nếu như không giành chiến thắng tuyệt đối. Xác định rõ tâm lý này, pencak silat cũng nên có những chuẩn bị từ bây giờ. Thậm chí, chúng ta cũng cần chấp nhận sự thật sẽ không hoàn thành chỉ tiêu năm nay, ngay cả khi ĐT pencak silat chỉ phấn đấu có 3 - 4 HCV.
Anh Chi