Họ đã xuất sắc giành được những thành tích vượt trội, không thua kém các vận động viên bình thường khác tại các kỳ Đại hội thể thao khu vực, quốc tế. Dù cơ thể còn có chỗ khiếm khuyết nhưng với nghị lực phi thường, nỗ lực không mệt mỏi, các vận động viên người khuyết tật đã cống hiến hết mình, ghi những dấu ấn cho Thể thao Việt Nam.
Những nghị lực phi thường
Đánh giá về những thành tích của các vận động viên khuyết tật Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Vũ Thế Phiệt cho biết: Tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành Huy chương Vàng ở môn bắn súng. Ở Thế vận hội dành cho Người khuyết tật Paralympic Rio 2016, đô cử Lê Văn Công cũng giành được tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam. Tại Đại hội Thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018), Đoàn thể thao Việt Nam xuất sắc đứng thứ hạng 17/45 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự với 4 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng. Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam kết thúc hành trình tại Ðại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á 2018 (ASIAN Para Games 2018) ở vị trí thứ 12 trên bảng tổng sắp huy chương với 8 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc và 24 Huy chương Đồng.
Ông Vũ Thế Phiệt nhấn mạnh: Paralympic Rio 2016 đánh dấu chặng đường lần thứ 5 thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Thế vận hội. Trải qua các lần tranh tài, vận động viên khuyết tật Việt Nam đã từng bước phát triển, chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tại sân chơi đẳng cấp khu vực, châu lục và thế giới, nơi hội tụ những con người “tàn nhưng không phế”, mỗi vận động viên không chỉ vượt lên chính mình, mà còn làm nên những điều kỳ diệu. Họ đã góp phần khẳng định sức sống mãnh liệt, khát khao hòa nhập cộng đồng thông qua hoạt động thi đấu thể thao, điển hình là nhà vô địch cử tạ thế giới Lê Văn Công.
Sau một thập niên thi đấu, lực sĩ Lê Văn Công đã có bảng thành tích rất đáng nể: Huy chương Vàng hạng cân 48 kg tại ASEAN Paragames 2007; tiếp đó là 3 lần phá kỷ lục thế giới và đoạt Huy chương Vàng tại ASEAN Paragames 2014 (180 kg và 181,5 kg), Giải vô địch châu Á 2015 (182 kg). Tiếp đó là thành tích giành Huy chương Vàng và phá kỷ lục Paralympic Rio cũng như kỷ lục thế giới ở nội dung cử tạ hạng 49 kg với mức tổng cử 181 kg. Vào năm 2017, Lê Văn Công tiếp tục mang về vinh quang cho thể thao nước nhà với Huy chương Vàng, phá sâu kỷ lục thế giới (do chính anh lập ra) ở hạng cân 49 kg tại Giải vô địch cử tạ người khuyết tật thế giới diễn ra tại Mexico. Với tấm huy chương này, lực sĩ Lê Văn Công đã trở thành vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam xuất sắc nhất lịch sử với đủ bộ sưu tập Huy chương Vàng tại Paralympic, thế giới, châu Á và Đông Nam Á. Những tấm huy chương này là biểu tượng cho ý chí, nghị lực phi thường của con người Việt Nam luôn vươn lên chiến thắng số phận.
Cùng với Lê Văn Công, rất nhiều vận động viên khuyết tật khác cũng luôn nỗ lực hết mình mang vinh quang về cho Tổ quốc. Vận động viên bơi lội Võ Thanh Tùng giành 3 huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á 2018 (ASIAN Para Games 2018) ở các nội dung bơi hạng thương tật S5. Chính “kình ngư” này đã phá kỷ lục đại hội ở cự ly bơi ngửa 50m với thành tích 38 giây 50; phá kỷ lục đại hội trên đường đua 200m tự do với thành tích 3 phút 0 giây 02. Sức mạnh vượt trội được anh thể hiện ở nội dung 100m tự do với thành tích 1phút 17giây 02, đồng thời phá sâu kỷ lục đại hội cũ và cả kỷ lục châu Á…
Hướng tới thành tích cao tại các đấu trường quốc tế
Mặc dù ngành Thể thao đã dành quan tâm nhưng việc đầu tư, tài trợ, chế độ khen thưởng, động viên vẫn còn hạn chế, thiếu thốn, việc tập luyện và thi đấu của vận động viên thể thao người khuyết tật còn nhiều khó khăn. Để có thể theo đuổi niềm đam mê thể thao, với các vận động viên người khuyết tật là sự phấn đấu và hy sinh rất lớn. Chính vì vậy, họ mong mỏi có được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn từ các nguồn lực xã hội.
Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Vũ Thế Phiệt cho biết: Trước đây, kinh phí hỗ trợ vận động viên khuyết tật đi thi đấu ở nước ngoài cũng như phát triển phong trào tập luyện cho họ còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển thể thao người khuyết tật và huy động nguồn tài trợ có chiều sâu, lâu dài, nhất là những nguồn đầu tư trực tiếp về dinh dưỡng và sinh hoạt phí cho họ. Dù còn khó khăn về kinh phí, Hiệp hội Paralympic Việt Nam vẫn tạo điều kiện đưa vận động viên ra nước ngoài thi đấu nhằm tăng cường cọ xát, ổn định tâm lý, kinh nghiệm để giành thành tích cao tại các kỳ Thế vận hội thế giới. Hiệp hội luôn tập trung vào các môn trọng điểm như: Điền kinh, bơi, cờ và cử tạ để giành huy chương tại các kỳ Đại hội lớn.
Sau Asian Para Games 2018, thể thao người khuyết tật Việt Nam lại chuẩn bị để hướng tới ASEAN Para Games 2019 tại Philippines và xa hơn là Paralympic 2020 tại Nhật Bản, ASEAN Para Games 2021 mà Việt Nam là chủ nhà đăng cai.
Muốn đạt được thành tích cao tại các đấu trường quốc tế nêu trên, trước tiên Hiệp hội sẽ tập trung phát triển mạng lưới Câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở của người khuyết tật, chú trọng thể thao người khuyết tật trong các trường học giáo dục đặc biệt, tạo điều kiện để người khuyết tham gia bình đẳng vào các hoạt động thể dục thể thao. Từ những phong trào cơ sở, Hiệp hội phát hiện và bồi dưỡng thêm tài năng trẻ cho thể thao người khuyết tật Việt Nam; đồng thời nâng cao hiệu quả tập huấn cho đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Paralympic 2020 tại Tokyo. Quan trọng nhất là Hiệp hội Paralympic Việt Nam đẩy mạnh truyền thông, hợp tác quốc tế và tăng cường công tác xã hội hóa, nhằm thu hút nguồn lực của xã hội cho hoạt động thể thao người khuyết tật; chuẩn bị tốt đội tuyển tham dự Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 10 tại Philippines.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Vũ Thế Phiệt, phong trào tập luyện thể dục thể thao người khuyết tật đang ngày càng phát triển, thể thao thành tích cao không ngừng đòi hỏi nâng cao chất lượng và số lượng vận động viên ở đấu trường quốc tế, nâng cao trình độ chuyên môn của vận động viên. Vì vậy, Hiệp hội Paralympic Việt Nam mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho Hiệp hội về kinh phí, đặc biệt là để đăng cai Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á năm 2021 tại Việt Nam. Về công tác tổ chức, Hiệp hội mong muốn các cơ quan chức năng cho phép đổi tên thành Ủy ban Paralympic Việt Nam cho phù hợp với các nước thành viên trong khu vực và thế giới, phù hợp với khách quan, thực tiễn về tổ chức hội hiện nay.