Những người vượt qua số phận

Ba tuần sau SEA Games 27, các vận động viên Việt Nam lại bước vào một cuộc tranh tài mới. Vẫn ở quy mô tương tự, nhưng sân chơi lần này là dành cho các VĐV khuyết tật - những con người đầy nghị lực, luôn vươn lên để chiến thắng số phận của chính mình.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam phấn đấu trở lại tốp 3 Đại hội. Ảnh: TTXVN

Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 7 - ASEAN Para Games 2014 được tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, từ ngày 14 - 20/1. Giống như kỳ SEA Games vừa kết thúc cuối năm 2013, sân chơi dành cho người khuyết tật lần này cũng hội tụ đủ 11 đoàn thể thao đại diện cho các quốc gia trong khối ASEAN. Những cuộc tranh tài hứa hẹn sẽ diễn ra hấp dẫn giữa các đoàn có truyền thống trong khu vực, như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và chủ nhà Myanmar.


Tới Myanmar lần này, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam (TTNKT) gồm 124 VĐV, tham gia thi đấu ở 6 bộ môn trong tổng số 12 môn được tổ chức. Đội tuyển điền kinh có số lượng VĐV đông nhất: 48 VĐV. Tiếp đến là bơi (36 VĐV), bóng bàn (18), cử tạ (10), cờ vua (10) và cuối cùng là môn bóng lăn boccia (2). Ngoài ra, Đoàn TTNKT Việt Nam cũng không thể thiếu một đội ngũ đặc biệt, đó là những VĐV dẫn đường (ở môn điền kinh) và một số săn sóc viên.


Trao đổi với PV báo Tin Tức, ông Vũ Thế Phiệt, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam, Trưởng đoàn TTNKT Việt Nam, cho biết, tất cả các VĐV tham dự ASEAN Para Games 7 đều được tuyển chọn kỹ lưỡng dựa trên thành tích thi đấu tại các giải trong nước và quốc tế gần đây. Trong số này, các đơn vị TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm phần lớn quân số của đoàn, do đây là hai địa phương có phong trào TTNKT phát triển mạnh. Số VĐV còn lại đến rải rác từ Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Giang và Kon Tum.


Ông Vũ Thế Phiệt cho biết thêm, xuất phát từ thành tích thi đấu xuất sắc tại Đại hội TTNKT trẻ châu Á (Malaysia, tháng 10/2013), một số gương mặt trẻ đã được đặc cách có tên trong Đoàn TTNKT Việt Nam sang Myanmar lần này, như Trương Quang Gôn, Nguyễn Thị Diệu Hà (bơi)…


Để chuẩn bị cho giải, thời gian qua, các VĐV đã được tập trung tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với nền tảng là những thành tích đã đạt được trước đó, cộng thêm nỗ lực bền bỉ của những VĐV vốn đã quen với vất vả, khó nhọc, các VĐV khuyết tật Việt Nam hiện đã sẵn sàng và tự tin bước vào thi đấu.


Tại các kỳ ASEAN Para Games trước, Việt Nam luôn giành được thứ hạng cao: Xếp thứ 2 các năm 2003, 2005; xếp thứ 3 các năm 2008, 2009. Gần đây nhất, năm 2011, Việt Nam bị đẩy khỏi tốp 3 do sự vươn lên của đoàn chủ nhà Indonesia. Đối thủ mạnh nhất trong khu vực không phải ai khác ngoài Thái Lan, quốc gia đã thống trị ngôi số 1 trên bảng xếp hạng trong 5 kỳ Đại hội gần đây nhất.


Ông Vũ Thế Phiệt chia sẻ, mục tiêu của Đoàn TTNKT Việt Nam lần này là phấn đấu trở lại tốp 3, nhưng không đặt nặng chỉ tiêu huy chương. Mọi VĐV đều sẽ nỗ lực hết mình để đạt thành tích tốt nhất và mang vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng điều quan trọng nhất là nỗ lực để chiến thắng bản thân. Ngoài ra, trọng trách của Đoàn TTNKT Việt Nam tại Myanmar còn là giúp tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết của người khuyết tật trong khu vực ASEAN, thông qua thể thao.


Theo đánh giá của giới chuyên môn, những niềm hy vọng “Vàng” của TTNKT Việt Nam tại Đại hội lần này vẫn là những gương mặt kỳ cựu, như Nguyễn Thị Hải, Cao Ngọc Hùng, Trịnh Công Luận (điền kinh), Nguyễn Thị Hồng, Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Văn Công (cử tạ)… Bên cạnh đó, những gương mặt trẻ như Quang Gôn, Diệu Hà (bơi) cũng được chờ đợi sẽ tỏa sáng trong lần đầu ra mắt ở đấu trường lớn nhất Đông Nam Á.


Tuy vậy, nỗ lực giành huy chương của các VĐV khuyết tật Việt Nam tại Myanmar cũng đang gặp phải những rào cản tương tự như tại SEA Games 27 mới đây. Theo ông Vũ Thế Phiệt, chủ nhà Myanmar đã loại khỏi chương trình thi đấu một môn mà Việt Nam có nhiều triển vọng tranh chấp huy chương là cầu lông. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng cắt giảm nhiều nội dung thi đấu ở 2 môn cơ bản là điền kinh và bơi, khiến cho một số gương mặt xuất sắc của TTNKT Việt Nam phải chấp nhận ở nhà, dù đã rất nỗ lực tập luyện chuẩn bị cho Đại hội trong suốt thời gian qua. Ngày 12/12 mới đây, BTC còn thay đổi một số nội dung thi đấu điền kinh và bơi, nhưng không cho phép các đoàn được thay đổi đăng ký.


Nhưng cho dù như thế nào, những khó khăn đó cũng sẽ không thể ngăn cản các VĐV khuyết tật Việt Nam hướng tới điều tốt đẹp là sự bình đẳng trong thể thao và xã hội. Đúng với tinh thần của phong trào Paralympic, khi đến với sân chơi này, mỗi VĐV đã là một người chiến thắng, là một tấm gương sáng về nỗ lực hòa nhập với cộng đồng xã hội. Những Nick Vujicic chẳng phải ở đâu xa!

 

Bảo An

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN