Nhiều kỷ lục bơi lội thế giới được phá

Giải vô địch bơi lội thế giới (FINA World Championships) lần thứ 15 diễn ra trong 2 tuần (từ 19/7 tới 4/8) tại Barcelona, Tây Ban Nha đã kết thúc với rất nhiều kỷ lục mới được thiết lập. Barcelona - thành phố Địa Trung Hải - là địa điểm nhiều duyên nợ với giải đấu này khi có tới 10 kỳ vô địch bơi lội thế giới được tổ chức nơi đây.


Kết quả cuối cùng sau 2 tuần thi đấu, đoàn Mỹ vẫn tỏ ra quá mạnh với đường đua xanh khi xếp thứ nhất với tổng số 34 huy chương (15 vàng, 10 bạc, 9 đồng); đoàn Trung Quốc đứng thứ nhì với tổng số 26 huy chương (14 vàng, 8 bạc, 4 đồng); đoàn Nga đứng thứ ba với tổng số 19 huy chương (9 vàng, 6 bạc, 4 đồng).

Franklin (Mỹ) trở thành VĐV nữ đầu tiên giành 6 HCV tại một giải vô địch thế giới .


Đáng chú ý là ở giải vô địch năm nay, nội dung bơi lội đã có rất nhiều kỷ lục mới được phá. VĐV Ruta Meilutyte (người Lithuanian) phá kỷ lục 100m bơi ếch ở tuổi 16. Thành tích mà cô có được dù ít hơn kỷ lục cũ được xác lập năm 2009 chỉ 0,07 giây nhưng cũng đã đủ để ghi tên cô gái nhỏ tuổi vào kỷ lục của cự ly này. Ở cự ly 200m bơi ếch, VĐV Rikke Pedersen (Đan Mạch) cũng lập kỷ lục mới với thành tích 2 phút 19 giây 11 vượt thành tích cũ do Rebecca Soni (Mỹ) lập là 2 phút 19 giây 59 tại Olympic London năm ngoái.


Một VĐV tuổi teen khác trong đoàn Mỹ là Missy Franklin đã đi vào lịch sử bơi lội thế giới khi là VĐV nữ đầu tiên giành tới 6 HCV trong một kỳ vô địch thế giới bơi lội. Các nội dung giúp nữ VĐV 18 tuổi này đoạt HCV bao gồm 4x100m và 4x200m tiếp sức hỗn hợp, 100m và 200m bơi ngửa, 100 và 200m bơi tự do. Thành tích 6 HCV của Franklin vượt qua thành tích 5 HCV trong 1 kỳ vô địch thế giới của các VĐV Tracy Caulkins (Mỹ) và Libby Trickett (Ốxtrâylia) giữ được trong nhiều năm qua và ngang bằng với thành tích của các VĐV nam Michael Phelps, Mark Spitz và nữ VĐV người Đông Đức cũ Kristin Otto giành được tại Olympic 1988 tại Seoul. Trong số các VĐV Mỹ góp phần làm nên thành tích cho nước này còn phải kể đến thành tích của nữ VĐV hàng đầu Katie Ledecky với 4 chiếc HCV và lập được 2 kỷ lục thế giới.


Trong khi Mỹ đứng đầu về bơi lội thì Trung Quốc lại tỏ rõ thế mạnh về nhảy cầu. 9 HCV trong tổng số 14 HCV mà Trung Quốc có được là từ các nội dung nhảy cầu. Trên bảng tổng sắp bộ môn nhảy cầu, Trung Quốc chiếm vị trí áp đảo bởi nhảy cầu có tổng số 10 nội dung và nước duy nhất cùng Trung Quốc có vàng là Đức (1 HCV nhảy cầu).


Không chỉ bằng các kỷ lục, ở giải vô địch bơi lội thế giới lần này, người ta còn gặp nhiều niềm vui, nỗi buồn, những sai sót được cho là rất đặc trưng của môn bơi. Điển hình là sức mạnh Mỹ khiến cho rất nhiều đoàn bơi đối thủ phải khiếp sợ. Ở cự ly 4x100m tự do tiếp sức của nam, tất cả các đoàn đua đối thủ đã vui đến sốc khi đội tuyển Mỹ không vượt qua vòng loại. Ở vòng đấu loại, Mỹ là đội về nhất với thành tích 3 phút 30 giây 06 nhưng sau đó bị phạt phạm quy vì tiếp sức quá sớm. Kết quả chính thức cho thấy, VĐV 19 tuổi Kevin Cordes nhẩy sớm 0,04 giây và đội Mỹ bị loại. Khi ấy tất cả các đội đối thủ còn lại như Pháp, Nhật, Ốxtrâylia… đều sững sờ và sau đó không giấu nổi niềm vui sướng. Bị loại ngay ở nội dung từng 12 lần vô địch trong 15 kỳ vô địch thế giới, Mỹ nhường HCV quý giá này cho Pháp (thành tích 3 phút 31 giây 51).


Ốxtrâylia xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng tổng và giải vô địch lần này cũng được xem là khá thành công với đất nước chuột túi. Đơn giản bởi tại Olympic London vừa qua, họ giành được 10 huy chương nhưng chỉ có duy nhất 1 vàng và cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1976 không được một HCV cá nhân nào. Thì nay tại Giải vô địch thế giới, họ có được 3 HCV của các VĐV Campbell, Magnussen và chuyên gia bơi ếch Christian Sprenger.


Giải vô địch bơi lội thế giới 2013 đã kết thúc thành công với sự tham gia của 180 quốc gia thành viên Liên đoàn bơi lội thế giới, trong đó 31 quốc gia đã giành được huy chương. Giải vô địch tới sẽ diễn ra tại thành phố Kazan (Nga) vào tháng 7/2015.



Lê Sơn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN