Ngọn lửa hồi sinh 

2h sáng 12/8 (theo giờ Việt Nam), khi lễ bế mạc hoành tráng bắt đầu diễn ra ở sân vận động Stade de France, đó cũng là thời điểm khép lại Olympic mùa hè Paris 2024. Sau 17 ngày thi đấu chính thức, với 10.714 vận động viên so tài 329 nội dung ở 32 môn, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới hạ màn để rồi tất cả sẽ lại cùng ngóng chờ câu chuyện tiếp theo sau 4 năm…

Chú thích ảnh
Chiếc vạc giữ lửa của Olympic 2024 tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 26/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

"Những kỷ lục"

Khác với lễ khai mạc diễn ra ngoài trời dọc sông Seine lạ mắt, bất ngờ nhưng cũng kèm theo không ít tranh cãi, lễ bế mạc Olympic 2024 diễn ra một cách truyền thống hơn tại Stade de France sức chứa 80.000 chỗ ngồi.

Sân vận động hoành tráng này hứa hẹn sẽ được biến thành một bữa tiệc âm nhạc khổng lồ, với những màn trình diễn đầy màu sắc, tôn vinh tinh thần thể thao, ghi nhận hiện tại và hướng tới tương lai. "Kỳ quan, viễn tưởng và những giác quan" là những chủ đề sáng tạo mà Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly định hướng cho lễ bế mạc.

Show diễn ngoại hạng này được Thomas Jolly xây dựng từ cách đây 1 năm rưỡi, với sân khấu ước tính cỡ 2.800 m2 và mang tên rất thể thao "Records" (Những kỷ lục). Đội hình các ngôi sao tham gia được giữ kín nhưng chắc chắn sẽ đầy ắp tên tuổi lớn và thậm chí truyền thông Pháp còn hé lộ một màn nghẹt thở với siêu sao điện ảnh Tom Cruise, người sẽ có pha nhảy mạo hiểm theo phong cách "Nhiệm vụ bất khả thi" từ mái sân vận động có độ cao hơn 40 mét, trượt bằng dây thừng và đáp xuống sân cùng lá cờ Olympic sau đó trao lại cho các vận động viên đại diện Los Angeles, thành phố chủ nhà tiếp theo của Olympic vào năm 2028.

Trong lễ bế mạc sẽ có cả những màn trao huy chương phút chót cho các môn thi đấu diễn ra vào ngày cuối cùng của Olympic 2024. Kỳ thế vận hội này đã chứng kiến một cuộc đua gắt gao trên bảng tổng sắp với Mỹ và Trung Quốc so kè quyết liệt đến phút chót, một kịch bản khá giống kỳ Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021 do đại dịch COVID-19).

Olympic 2024 là nơi nhiều kỳ tích và kỷ lục thế giới mới được thiết lập, gần như là câu chuyện hằng ngày trong 17 ngày qua. Thậm chí trước lễ khai mạc 1 ngày, ở các nội dung thi đấu sớm, những kỷ lục mới đã được lập khi đội bắn cung Hàn Quốc phá 3 kỷ lục Olympic và 1 kỷ lục thế giới. Đây là môn mà các cung thủ châu Á thâu tóm trọn bộ 5 HCV, tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1. Họ không những chiến thắng các đối thủ, mà còn vượt qua chính mình với những kỷ lục mới.

Các vận động viên Pháp cũng tạo ấn tượng mạnh bất ngờ cho khán giả nhà như nam kình ngư Léon Marchand đã đi vào huyền thoại sau khi giành được HCV cự ly 200 mét hỗn hợp cá nhân. Đó là HCV thứ tư trong 4 nội dung cá nhân mà Marchand thi đấu, thậm chí anh lập kỷ lục Olympic ở cả 4 cuộc đua và đặc biệt là giành 2 HCV trong một ngày thi đấu, điều tưởng chừng như không thể sau khi vắt kiệt sức cho lần thi đầu tiên. Khoảnh khắc Marchand giơ 4 ngón tay lên trong hồ bơi còn trên khán đài Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng bật dậy và giơ cả hai tay lên trời là những hình ảnh thật khó quên với Paris.

Ngoài ra, có hàng chục kỷ lục thế giới khác bị phá vỡ ở các môn bơi lội, cử tạ, nhảy cao, nhảy xa… Có những VĐV phá vỡ kỷ lục do chính mình tạo ra như VĐV Thụy Điển Armand Duplantis, vượt qua mức sào 6,25m trong lần thứ chín phá kỷ lục thế giới.

Giải thích cho việc các kỷ lục vẫn tiếp tục được phá vỡ, chuyên gia Gaël Guilhem, phụ trách phòng thí nghiệm tại Viện Thể thao, Chuyên môn và Thành tích Quốc gia Pháp (INSEP) cho rằng có nhiều lý do trong đó yếu tố công nghệ ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây. Ví dụ như việc tích hợp gai mới vào giày của các vận động viên ở các bộ môn sức bền và chạy nước rút đã tạo thuận lợi hơn khá nhiều.

Ở cự ly 100 mét, lịch sử chưa từng chứng kiến việc có đến 7 VĐV đạt thành tích dưới 9,9 giây. Với 9,82 giây năm nay, bạn không có mặt trên bục vinh quang, trong khi ở Atlanta năm 1996 với thành tích đó, bạn sẽ là nhà vô địch Olympic. Cùng với sự phát triển của khoa học, của công nghệ là những nỗ lực không ngừng của bản thân VĐV đúng như khẩu hiệu của Olympic "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn".

Paris lại bừng sáng

Chú thích ảnh
Khinh khí cầu treo chiếc vạc giữ lửa của Olympic 2024 trên bầu trời tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 4/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Paris mùa Olympic đông vui nhộn nhịp suốt cả ngày và bừng sáng lộng lẫy vào đêm. Từ rất lâu Paris mới có lại được không khí sôi động nhộn nhịp như vậy. Đường phố được dọn dẹp sạch sẽ và khắp nơi là các băng rôn chào mừng Olympic. Ở đâu người dân cũng nói tới các kỷ lục mới, nhắc tới thành tích của các vận động viên Pháp, nắm lịch thi đấu và xếp hàng dài cổ vũ trên khắp các con đường nội đô.

Ở mỗi quận, không gian công cộng được tổ chức thành các khu vực Fanzone hoàn toàn miễn phí dành cho người dân tới xem truyền hình trực tiếp. Các Fanzone được quây rào và kiểm soát an ninh chặt chẽ, mở cửa từ 8h sáng tới 24h đêm. Màn hình kèm loa công suất lớn để mọi người dù là ngồi ở vị trí nào cũng có thể theo dõi thuận tiện các môn thi đấu.

Các địa điểm thi đấu có cả ở khu vực hải ngoại, như môn lướt ván được tổ chức ở Taihiti chậm hơn Pháp 12 giờ, nên các kênh truyền hình phát trực tiếp cả đêm. Các quán ăn được phép mở cửa suốt đêm và tàu điện thông suốt tới 3h sáng. Trong không khí hân hoan chưa từng có, người dân Paris đang cảm thấy tiếc nuối khi ngày bế mạc sớm đến.

Ngày bế mạc, tại vườn hoa Jardin des Tuileries cạnh bảo tàng Louvre, nơi ngọn lửa Olympic được thắp sáng suốt kỳ Olympic, người dân tập trung đông chật từ cuối buổi chiều. Đây là địa điểm đặc biệt để mọi người có thể vừa xem lễ bế mạc, vừa được chứng kiến ngọn lửa Olympic độc đáo của Paris. Lần đầu tiên ngọn lửa Olympic là một khinh khí cầu lửa tuyệt đẹp bay trong không trung chứ không phải lửa thắp trên tháp dầu trong sân vận động.

Quả khí cầu có đường kính 22 mét, treo vòng lửa có đường kính 7m phía dưới, bay trên không ở độ cao 60m từ 22h lúc mặt trời lặn đến 2h sáng. Thời gian còn lại, cầu lửa được hạ cố định để người dân tới tham quan. Lần đầu tiên một ngọn lửa Olympic cháy không cần nhiên liệu mà được thắp sáng bằng luồng ánh sáng mạnh chiếu lên đám mây nước tạo nên hiệu ứng ngọn lửa cháy trong làn khói mờ sương.

Vòng lửa gồm 40 máy chiếu LED với công suất ánh sáng tương đương 4 triệu lumen và 200 vòi phun sương áp suất cao. Nhiều người dân Paris đề xuất thành phố nên giữ lại khí cầu lửa này sau khi Olympic và Paralympic kết thúc, bởi nó vừa là dấu ấn của Thế vận hội, vừa để cho những du khách nước ngoài có thể tới chứng kiến tận mắt khi tới thăm Paris, như một điểm du lịch mới bên cạnh những công trình kiến trúc cổ.

Hồi sinh

Chú thích ảnh
Màn trình diễn ánh sáng độc đáo tại khu vực Tháp Eiffel trong Lễ Khai mạc Olympic Paris 2024. Ảnh: THX/TTXVN

Kịch bản lễ bế mạc rất thú vị với câu chuyện Olympic "biến mất" và con người phải đi tìm lại. Trong lịch sử, Olympic cổ đại đã từng biến mất như vậy cho đến khi Pierre de Coubertin, một quý tộc người Pháp lên ý tưởng phục hồi sự kiện này. Năm 1890, ông đã tổ chức và sáng lập Hội Liên hiệp thể thao Pháp và 2 năm sau đó khởi xướng việc khôi phục Olympic, dẫn đến sự ra đời của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

Năm 1914, Pierre de Coubertin cũng là người tạo ra lá cờ Olympic với 5 vòng tròn tượng trưng cho 5 châu lục. Năm 1921, cha đẻ của Olympic hiện đại cũng là người đưa ra khẩu hiệu quen thuộc "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh mẽ hơn". Đúng 100 năm sau, năm 2021, IOC có sự điều chỉnh khẩu hiệu thành "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn - Cùng nhau", nhấn mạnh hơn nữa vào sự đoàn kết trong những thời điểm khó khăn như đại dịch COVID-19.

Nước Pháp cũng ở một thời điểm khó khăn khi đăng cai Olympic 2024, với những bất ổn về kinh tế lẫn những biến động chính trị. Cũng không phải mọi việc đều "xuôi chèo mát mái" trong khâu tổ chức như lễ khai mạc có những tranh cãi hay điều kiện sinh hoạt, thi đấu khiến một số VĐV phàn nàn. Nhưng trên tất cả, người ta thấy sự lạc quan và hy vọng. Và với niềm tự hào chung khi là chủ nhà một sự kiện lớn như Olympic, người dân Pháp đang đoàn kết và xích lại bên nhau hơn để vượt qua những thử thách.

100 năm, Olympic mùa hè trở lại với Paris, với nước Pháp. Là quốc gia với nền thể thao mạnh mẽ, với lịch sử gắn liền cùng Thế vận hội hiện đại, ngọn lửa Olympic có thể sẽ tắt sau lễ bế mạc nhưng ngọn lửa của sự đoàn kết, của niềm tin sẽ lại được thắp lên với nước chủ nhà.

Ngọc Hiệp (Phóng viên TTXVN tại Pháp)
Ban tổ chức tự hào về thành công của Olympic Paris 2024
Ban tổ chức tự hào về thành công của Olympic Paris 2024

Ban tổ chức Olympic Paris 2024 tự hào rằng toàn thể nước Pháp đã "đoàn kết" và "hân hoan" trong suốt 2 tuần đăng cai sự kiện thể thao quy mô lớn nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN