Muốn vô địch phải thắng nhà vô địch

Đều nằm ở tốp 5 danh sách VĐV tiêu biểu năm 2010, Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương và Lê Bích Phương là những cô gái đã viết lên lịch sử của thể thao Việt Nam năm qua.

"Nữ hoàng" xô đổ kỷ lục

ASIAD 15 tại Doha có 3 môn thể thao Olympic có huy chương, trong đó có 1 HCB. ASIAD 16 tại Quảng Châu, thể thao Việt Nam (TTVN) có đến 5 môn thể thao Olympic có huy chương, trong đó có 7 HCB (3 của điền kinh, 2 của đua thuyền, 1 của taekwondo, 1 của vật). Như vậy, nếu xét theo góc độ các môn thể thao Olympic thì rõ ràng TTVN đã không thất bại.


Với việc giành 3 HCB của điền kinh, thể thao Việt Nam vẫn được coi là thành công tại ASIAD 16. Còn như cách nói của ông Hoàng Vĩnh Giang thì đó là một kỳ tích. Trong đó, Vũ Thu Hương và Trương Thanh Hằng là hai cái tên nổi bật, góp công lớn nhất.

Vũ Thị Hương (số áo 943) đoạt danh hiệu VĐV xuất sắc nhất trong năm.


Đầu năm 2010, có nhiều ý kiến khác nhau khi có người cho rằng Vũ Thu Hương nên tập trung ở những đấu trường vừa tầm, có khả năng đoạt huy chương. Thế nhưng năm qua đã cho thấy những bước tiến vượt bậc của "nữ hoàng điền kinh". Hương đã tạo được bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của điền kinh nước nhà.

"Môn thể thao nữ hoàng" - điền kinh chính là một trong những môn quan trọng nhất trong 28 môn nằm trong hệ thống Olympic. Và chạy 100 m là nội dung số 1 của môn "thể thao nữ hoàng". Vũ Thị Hương “nổ” phát súng đầu tiên ở đường chạy 100 m với thời gian 11"43, giành tấm HCĐ. Đây cũng đã là "đỉnh cao" của Hương trong quá trình tập luyện suốt năm qua. Dù chỉ là HCĐ, nhưng thành tích này gây ngỡ ngàng cho cả những người làm chuyên môn.

Hương đã chính thức mở ra một kỷ nguyên mới của điền kinh Việt Nam tại đấu trường ASIAD, khi mà trước đó từ năm 1982, chúng ta chỉ tham dự với mục tiêu học hỏi là chính. Không dừng lại, Hương còn mang tiếp về một tấm HCB ở đường chạy 200 m với kết quả 23”74. Lần này thì Hương còn xuất sắc hơn, khi vượt qua VĐV người Udơbêkixtan Khubbieva Guzel và chỉ kém đối thủ Nhật Bản Fukushima Chisato trong tích tắc.

Sau đó, tại Đại hội TDTT toàn quốc tại Đà Nẵng, Vũ Thị Hương tiếp tục gây “sốc” ở nội dung 200 m với thời gian 23”27. Đây là thành tích vượt qua cả người giành HCV tại Asian Games 16.


Hương không chỉ giành HCV mà còn phá kỷ lục của chính mình lập tại SEA Games 2009 (23”31), đồng thời xô đổ kỷ lục Đông Nam Á (23"30) của Supavadee (Thái Lan) tồn tại hơn 10 năm qua. Dù đã bước sang tuổi 25, nhưng "nữ hoàng điền kinh" vẫn khẳng định: "Tôi còn trẻ và sẽ nỗ lực hơn nữa trong những giải đấu tương lai".

Bất ngờ ở đường chạy 1.500 m

Trương Thanh Hằng vốn có sở trường ở đường chạy 800 m khi đăng quang tại Giải vô địch châu Á 2007. Nhưng Hằng đã gây bất ngờ khi vượt qua các đối thủ mạnh để đoạt HCB nội dung 1.500 m tại ASIAD 16. Tại ASIAD vừa qua, cự ly 1.500 m được xếp thi đấu trước, nên BHL quyết định cho Hằng bung sức thi đấu luôn. Chính vì thế, khi bước vào đường chạy 1.500 m, Hằng dồn toàn bộ sức lực cho nội dung này.

Trong 800 m đầu tiên, Hằng đã khôn khéo giữ sức, nhưng luôn phải cố gắng có mặt ở tốp 5. Khi còn 500 m, Hằng bắt đầu vươn lên, bám theo hai VĐV dẫn đầu người Baranh là Jamal Maryam Yusuf Isa và Gebregeiorges Mimi Belete. Đến 200 m cuối khi Jamal Maryam bứt lên, Thanh Hằng liền bám theo bỏ lại các đối thủ khác. Lúc cách đích còn 50 m, Hằng là người gây bất ngờ, khi tung cú nước rút ngoạn mục, vượt qua VĐV Gebregeiorges để về nhì, giành HCB với thời gian 4 phút 09 giây 58.

Thành tích của Hằng tại ASIAD lần này rất ấn tượng, bởi cô đã xô ngã kỷ lục SEA Games (4 phút 11 giây 60) do chính cô lập tại Nakhon (Thái Lan) năm 2007. Đây là một chiến tích bất ngờ với điền kinh VN, với người hâm mộ và ngay cả với Thanh Hằng.


Trên đường chạy 800 m nữ, Trương Thanh Hằng đã không làm thất vọng những người hâm mộ Việt Nam khi đã xuất sắc về đích ở vị trí thứ 2 để giành HCB. Khi vừa xuất phát, Trương Thanh Hằng đã cố gắng giữ sức để dành cho 100 m cuối cùng. Khi còn 100 m cuối, Hằng nhanh chóng có mặt ở tốp 3 người dẫn đầu. Ít mét trước khi về đích, Trương Thanh Hằng đã vượt lên trên VĐV người Ấn Độ để cán đích ở vị trí thứ hai với thành tích 2'00"91, giành thêm một chiếc HCB nữa cho Việt Nam.

Đứng thứ 13 trên BXH huy chương của riêng môn điền kinh tại Asian Games 16 thực sự là một thành công lớn của ĐT ĐKVN. Thành tích này đã góp phần thay đổi nhận thức về khả năng cạnh tranh của Việt Nam ở các môn thể thao Olympic. Sau thành công tại Asian Games nhiệm vụ của ĐT điền kinh là bảo vệ những danh hiệu vô địch đã giành được tại SEA Games 26 ở Inđônêxia vào cuối năm và tiếp theo đó, giành quyền tham dự Olympic London 2012.

Muốn vô địch phải thắng nhà vô địch

Bích Phương sinh năm 1992, tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, cao 1,62 m và nặng 52 kg. Cô gái trẻ mới chỉ đến với karatedo hơn 5 năm và lên đội tuyển được 3 năm. ASIAD 16 là giải đấu quốc tế chính thức đầu tiên của Bích Phương. Cô hiện là thành viên của đội karatedo Quân đội do HLV Lê Công dẫn dắt.

Có được chiến thắng vàng lần này là do Phương đã rất tự tin đối đầu với VĐV đang là đương kim vô địch thế giới. VĐV Nhật Bản Kobayashi, vốn có lối đánh tấn công rất tốt, Phương hiểu cô sẽ phải lách, vì nếu đối đòn thì rất bất lợi cho mình, vì mình không có sức mạnh bằng người ta, nhưng mình hơn người ta là mình biết cách di chuyển thoát ra.


Phương kể lại sau chiến thắng: "Mỗi lần đối thủ tấn công thật mạnh, tôi di chuyển lách và thoát khỏi đòn tấn công và khi có thời điểm tôi dùng đòn chân đá lên". Sở trường về đòn chân đã được Phương tận dụng tối đa. Lối đánh linh hoạt cùng việc kiên trì chờ cơ hội để tung đòn chân, đã giúp Phương ghi ba điểm quyết định trong chiến thắng 4-3.

Có theo dõi Phương thi đấu mới biết chiến thắng của cô là không dễ dàng. Lê Bích Phương cho biết, cô luôn phải tự nhắc nhở mình tuân thủ đấu pháp mà huấn luyện viên Lê Công đã đề ra: "Đòn đá là sở trường của tôi. Trong một năm nay tôi đã tập luyện rất nhiều. Mỗi khi trọng tài hô 'hasime'- bắt đầu, thì tôi lại di chuyển, giữ khoảng cách với đối thủ".


HLV Lê Công hiểu các đối thủ của mình: "Nhật Bản là quê hương của karatedo, họ có kỹ thuật và tinh thần thi đấu rất tốt. Cái quan trọng là mình đầu tiên có dám đánh không. Chúng ta là người Việt Nam, vấn đề là chúng ta dám đánh. Tôi nhắc nhở học trò phải dám đánh". Vị HLV này cũng không quên truyền cho Phương những bí quyết để khắc chế đối thủ: "Một đòn chậm có thể thắng một đòn nhanh. Họ tấn công, mình thoát ra được mình dùng đòn chân là họ dính ngay".

Hàn Đan

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN