Sự cố của XM The Vissai Ninh Bình và ý định bỏ giải V - League 2014 của Hùng Vương An Giang mới đây, đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mô hình bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Thi nhau bỏ giải
Khoác trên mình chiếc áo chuyên nghiệp từ năm 2000, quãng thời gian gần 15 năm qua đã chứng kiến sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp với bóng đá Việt Nam. Song song với sự xuất hiện của khái niệm “ông bầu” bóng đá, đời sống của giới cầu thủ, HLV đã được nâng lên rõ rệt. Sân chơi Việt cũng đã mở cửa với thế giới, chào đón nhiều cầu thủ nước ngoài tới thi đấu và góp phần cải thiện chất lượng giải đấu. Mặc dù vậy, cùng với thời gian, mô hình làm bóng đá phụ thuộc hoàn toàn vào “bầu sữa” doanh nghiệp đang cho thấy sự bất cập.
Người hâm mộ chính là “nguồn sống”, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, của mỗi câu lạc bộ. |
“Nước lên, thuyền lên”, các cầu thủ và các đội bóng đã được hưởng lợi từ một thời kỳ kinh tế phát triển. Những vụ chuyển nhượng đắt giá, những khoản lót tay bạc tỷ, những mức lương hậu hĩnh... khiến sân cỏ Việt Nam sôi động hẳn lên và được đánh giá là một trong những môi trường bóng đá hấp dẫn nhất khu vực. Nhưng đến khi “nước rút”, thì cầu thủ và đội bóng cũng chính là những nạn nhân đầu tiên. Khó khăn tài chính trong những năm gần đây đã khiến nhiều ông bầu phải giải tán đội bóng để thoát thân; nợ lương, nợ thưởng và dọa “nghỉ chơi” không còn là chuyện hiếm.
Chưa bao giờ, số phận cầu thủ lại mong manh như hiện nay. Một ông bầu vướng vào vòng lao lý, một doanh nghiệp ngừng đầu tư, là cả đội bóng bị giải thể và hàng chục cầu thủ lập tức bị đẩy ra đường. Nhiều cầu thủ vẫn đang đá bóng trong nỗi hoang mang về một tương lai không biết đi đâu, về đâu. Vài năm qua, rất nhiều CLB đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam, hoặc phải bán lại suất chuyên nghiệp, trong đó có cả những đội bóng tên tuổi một thời, từ Thể Công, CLB bóng đá Hà Nội, Navibank Sài Gòn, Khatoco Khánh Hòa, cho tới XM Xuân Thành Sài Gòn, Kienlongbank Kiên Giang, Bình Định...
Mới đây nhất, vụ việc XM The Vissai Ninh Bình bỏ giải V - League vì scandal bán độ tại AFC Cup 2014, hay việc Hùng Vương An Giang bắn tín hiệu muốn “nghỉ chơi”, cầu thủ Than Quảng Ninh tính chuyện đình công một lần nữa, đã tiếp tục cho thấy cách quản lý lỏng lẻo của những người tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VPF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) dường như đang bất lực trước thực tế: Các đội bóng thích thì đá, không thích thì thôi. Xử phạt hành chính và giáng hạng đối với các trường hợp bỏ giải giữa chừng cũng chỉ là hình thức, bởi VFF và VPF biết phạt ai khi mà đội bóng đó đã giải thể?
“Nhãn mác” chuyên nghiệp
Ngay cả những đội bóng hiện còn tồn tại cũng chưa thể nói trước được bất cứ điều gì. Họ đang sống được, chẳng qua là nhờ “bầu sữa” của doanh nghiệp đỡ đầu chưa cạn. Tâm huyết với bóng đá thì nhiều người có, nhưng cũng không thể biết liệu có một vụ như bầu Kiên ở CLB bóng đá Hà Nội, hay bầu Trường ở XM The Vissai Ninh Bình nữa hay không? Nguy cơ giải thể, giải tán đội bóng vì thế luôn rình rập.
Thực tế ở phần lớn các đội bóng Việt Nam hiện nay cho thấy, chữ “chuyên” vẫn chỉ là vẻ bề ngoài mà thôi. Ở những nền bóng đá phát triển, bóng đá chuyên nghiệp là phải kiếm được tiền để nuôi bóng đá, hay nói cách khác là hoạt động bóng đá phải sinh ra lợi nhuận (bán vé, thu hút tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến đội bóng...). Nhưng ở Việt Nam thì khác: Hầu hết sân bãi vắng vẻ, nhiều sân còn mở cửa tự do; tiền bản quyền truyền hình không đáng kể; rất hiếm CĐV bỏ tiền túi ra để mua các sản phẩm liên quan đến đội bóng (áo đấu, khăn quàng, mũ...). Tiền thu được thậm chí không đủ để trang trải chi phí tổ chức trận đấu.
Nguồn thu rất thấp như vậy, nên mọi hoạt động của đội bóng đều trông chờ vào danh nghiệp quản lý, cộng với một phần hỗ trợ (nếu có) từ địa phương. Một khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hay địa phương chậm giải ngân, thì cầu thủ cũng lao đao theo.
Khi ông Kazuyoshi Tanabe sang Việt Nam năm 2013 với tư cách là cố vấn cho lãnh đạo VPF, chuyên gia người Nhật Bản này cũng đã chỉ ra được vấn đề, đó là mỗi đội bóng Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào một doanh nghiệp. Mô hình bóng đá chuyên nghiệp tại Nhật Bản là một hình mẫu mà Việt Nam đang muốn học hỏi và ở đó, mỗi CLB thường có 2 - 3 nhà đầu tư lớn, nên hoạt động luôn có sự ổn định cao. Trong khi đó, khi Ninh Bình sắp “nghỉ chơi” ở V - League mới đây, lãnh đạo đội bóng này còn nói cứng, là nếu đã làm (nắm một CLB) là làm một mình, không cần chung chạ với bất kỳ nhà đầu tư nào khác.
Đó rõ ràng không phải là tư duy làm bóng đá chuyên nghiệp, không vì bóng đá và khán giả, mà chỉ là kiểu đầu tư “vì ta cần có nhau” nhất thời, chạy theo lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân. VFF và VPF lại chưa có động thái cụ thể nhằm thay đổi kiểu suy nghĩ “độc quyền” này, bởi họ vẫn đang phải chạy theo khuyên giải các đội bóng không tiếp tục bỏ giải và tìm phương án đảm bảo số lượng đội bóng chuyên nghiệp. E rằng cuộc khủng hoảng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chưa chạm đáy!
Bài và ảnh: Song Long