Luồng gió mới cho V-League

Chỉ còn một tuần nữa, trái bóng V-League 2014 sẽ khởi tranh. Sau một mùa giải khủng hoảng về nhiều mặt, người hâm mộ đang rất chờ đợi sự đổi thay tích cực của sân chơi này, nhờ một số giải pháp đã được đề ra.

 

VFF có những biện pháp quyết liệt nhằm cải thiện chất lượng V-League.

V-League từ trước tới nay vẫn được xem là nền tảng cho các đội tuyển quốc gia. Nếu muốn biết đội tuyển Việt Nam có mạnh hay không, chỉ cần nhìn vào phong độ của các cầu thủ trong màu áo CLB là rõ tới chín phần. Sau thảm bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 27, Quyền chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), ông Lê Hùng Dũng, đã khẳng định quyết tâm nâng cao chất lượng các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, đặc biệt là tại V-League, nhằm tạo bàn đạp để cải thiện hình ảnh của các đội tuyển quốc gia.

 

“Doping” cho trọng tài


Trọng tài vẫn là một trong những vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt Nam nhiều năm qua. Kể từ khi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nắm quyền điều hành các giải đấu chuyên nghiệp năm 2012, công tác trọng tài đã được quan tâm nhiều hơn, thể hiện ở mức chi trả dành cho các trọng tài được cải thiện. Mặc dù vậy, chuyện trọng tài thiên vị đội này, đội kia, hay vướng vào những nghi án nhận tiền hối lộ vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng của giải đấu, khiến một số đội bóng và đặc biệt là người hâm mộ dần mất niềm tin vào V-League.


Ngay trước thềm mùa giải 2014, VFF đã quyết định loại 6 trọng tài từng vướng vào vòng nghi vấn ở mùa giải năm ngoái. Trong số này có 4 trọng tài bắt trận Thanh Hóa - Hoàng Anh Gia Lai, mà theo thông tin thì họ đã nhận hối lộ 100 triệu đồng. Đây là quyết định mạnh tay của VFF, tiếp sau án đình chỉ công tác đối với trưởng và phó ban trọng tài trong năm 2013 vì vụ việc trên.


Chưa dừng lại ở đó, VFF sẽ tiếp tục xử lý kiên quyết đối với các trường hợp trọng tài mắc sai sót trong mùa giải sắp tới. Theo khẳng định của ông Lê Hùng Dũng, nếu trọng tài nào bị công luận và các đội bóng phản ứng 2 lần trong mùa giải (không cần phải là 2 trận liên tiếp), VFF sẽ đình chỉ công tác của trọng tài đó ngay lập tức. Cách xử lý như vậy cũng được áp dụng đối với đội ngũ giám sát trận đấu.


Ngoài ra, VFF còn đưa ra ý tưởng: Nếu trọng tài tố cáo hành vi hối lộ (có bằng chứng rõ ràng) và nộp lại số tiền được hối lộ, trọng tài đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm và sẽ nhận được số tiền thưởng gấp ba từ VFF. “Nếu trọng tài tố cáo hành vi hối lộ và nộp lại 50 triệu đồng, thì sẽ nhận được ngay 150 triệu đồng. Nếu số tiền hối lộ là 1 tỷ đồng, trọng tài sẽ nhận được 3 tỷ đồng”, ông Hùng Dũng tuyên bố.


Những biện pháp trên được kỳ vọng sẽ khiến cho cả đội ngũ cầm cân nảy mực lẫn những đối tượng có ý đồ hối lộ phải chùn tay, góp phần làm giảm những “lùm xùm” xung quanh vấn đề trọng tài, tạo sự công bằng cho giải đấu.


“Doping” cho công tác điều hành


Một quyết định quan trọng khác đã được VFF và VPF thống nhất, nhằm cải thiện công tác điều hành của các giải đấu chuyên nghiệp, đó là mời một chuyên gia người Nhật Bản sang làm trưởng BTC V-League 2014. Danh tính của nhân vật này vừa mới được tiết lộ: Ông Tanaka Koji. Ông Koji được lãnh đạo VPF đánh giá cao về kinh nghiệm, sau khi từng trải qua 20 năm cùng bóng đá Nhật Bản phát triển lên chuyên nghiệp. Cuối tuần tới, ông Koji sẽ có mặt tại Việt Nam và làm việc với VPF về khả năng ký hợp đồng ngồi vào chiếc “ghế nóng” mà Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn đang tạm quyền kiêm nhiệm.


Ông Koji đang được chờ đợi sẽ tạo nên một luồng gió mới cho V-League. Nhưng cũng không nên quên rằng, trong năm 2013, VPF từng thất bại với một chuyên gia người Nhật Bản khác là Kazuyoshi Tanabe. Ông Tanabe cũng đã được VPF mời sang cố vấn tái thiết mô hình bóng đá chuyên nghiệp, nhưng sau một thời gian đã cáo ốm để trở về Nhật Bản. Cùng thời điểm, V-League 2013 không những không được cải thiện, mà còn bế tắc hơn với vụ bỏ giải của XMXT Sài Gòn.


Sự cố của XMXT Sài Gòn, cũng như sự phá sản của Kienlongbank Kiên Giang, Bình Định sau mùa giải 2013, đã thúc đẩy VFF và VPF đến một quyết định quan trọng khác: Giữ số đội tham dự V-League 2014 ở con số 13. Kế hoạch đôn một đội nữa lên từ hạng Nhất, giống như trường hợp của Đồng Nai năm 2013, đã bị loại trừ. VFF và VPF đang hướng đến cải thiện “nội dung” giải đấu, thay vì “làm tròn số” về hình thức.


V-League mùa này vì thế rất được chờ đợi, nhất là khi bóng đá Việt Nam đang quyết tâm lấy lại hình ảnh của mình tại AFF Suzuki Cup 2014 và SEA Games 2015.

Ngày 2/1, Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp 2014 đã họp phiên đầu tiên và thông qua điều lệ V - League 2014. Theo đó, giải thưởng cho các đội vô địch, hạng 2 và hạng 3 vẫn giữ nguyên như năm 2013, lần lượt ở các mức: 4 tỷ đồng, 2 tỷ đồng và 1 tỷ đồng. Do tình hình tài chính khó khăn, năm 2014, VPF sẽ cắt gói hỗ trợ chi phí di chuyển cho các CLB khi đá sân khách. Tuy nhiên, VPF vẫn duy trì hỗ trợ cho Hà Nội T&T và XM The Vissai Ninh Bình thi đấu tại AFC Champions League, AFC Cup (200 triệu đồng cho mỗi CLB tại vòng loại, nếu vào vòng sau sẽ tăng thêm 100 triệu đồng so với vòng trước).


Bài và ảnh: Song Long


Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN