Geneva 2 và lợi ích thực sự của Trung Quốc

Nhìn bề ngoài, Trung Quốc không có lợi ích cụ thể nào về vấn đề Syria. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này lan rộng có thể sẽ khiến giao lưu thương mại trong khu vực bị gián đoạn và đây là một thảm họa tiềm tàng đối với Trung Quốc.

Quân đội Syria trong một chiến dịch tấn công phiến quân. Ảnh: Farsnews


Khi hội nghị hòa bình quốc tế về Syria hay còn gọi Geneva 2 được triệu tập vào ngày hôm nay, 22/1, các nhà ngoại giao hàng đầu của thế giới (trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị) hy vọng sẽ đưa ra một giải pháp kết thúc cuộc nội chiến tàn khốc tại đất nước Trung Đông này. Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết đây là hội nghị "được chờ đợi từ lâu và cực kỳ quan trọng” đối với hòa bình tại Syria.

Để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tại Geneva 2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu 5 nguyên tắc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Syria, như sau: (1). Vấn đề của Syria phải được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị. (2). Tương lai của Syria phải do chính người dân nước này quyết định. (3). Phải thúc đẩy một tiến trình chuyển giao chính trị với sự tham gia của tất cả các bên. (4). Hòa giải và đoàn kết dân tộc phải đạt được ở Syria. (5). Viện trợ nhân đạo phải được chuyển tới Syria và các quốc gia láng giềng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng những nguyên tắc trên là "khách quan và công bằng" và nói thêm “Trung Quốc không có bất kỳ lợi ích nào trong vấn đề Syria”. Thực tế là Bắc Kinh không có lợi ích cụ thể tại Syria. Ví dụ, không giống như Nga, Trung Quốc không có mối quan hệ chính trị gần gũi với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Về kinh tế, năm 2012, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Syria chỉ đạt 1,2 tỉ USD, giảm 50% so với năm 2011, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Syria chiếm tới 1,1 tỷ USD, nhấn mạnh một thực tế là hàng nhập khẩu từ Syria hầu như không có vai trò trong nền kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng không thể nói rằng Bắc Kinh không có lợi ích gì khi cuộc xung đột ở Syria chưa được giải quyết. Thay vào đó, lợi ích thực sự của Trung Quốc là lợi ích chung lớn hơn, chứ không phải là những lợi ích cụ thể. Ví dụ, Bắc Kinh rõ ràng có lợi trong việc bảo đảm cuộc nội chiến tại Syria không lan rộng ra khắp Trung Đông- một lợi ích mà tất cả các bên tham dự Geneva 2 đều quan tâm. Tình trạng bạo lực tại Syria, trong đó chủ yếu là cuộc đối đầu giữa dòng Sunni và Shiite, đã tràn qua biên giới Liban và Iraq. Nếu bạo lực leo thang hơn nữa có thể khiến giao lưu thương mại trong khu vực bị gián đoạn, một thảm họa tiềm tàng đối với Trung Quốc khi hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu của nước này là từ Trung Đông.

Ở quy mô rộng lớn hơn, Trung Quốc muốn ngăn chặn sự can thiệp chính trị từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Syria. Trung Quốc đã rút ra bài học về việc đã không phủ quyết một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép thành lập "vùng cấm bay" tại Libya trước đây. Đối với Bắc Kinh, những chiến dịch của phương Tây do Mỹ dẫn đầu luôn nhằm mục đích thay đổi chế độ. Trung Quốc sẽ không mắc phải sai lầm tương tự một lần nữa, và do đó sẽ ngăn chặn bất kỳ hành động nào của Liên Hợp Quốc đối Syria nhằm vượt quá giới hạn viện trợ nhân đạo, đồng thời tích cực thúc đẩy đối thoại. Một thực tế chứng minh cho quan điểm này là việc Bắc Kinh đã cùng với Moskva phủ quyết nghị quyết của Liên hợp quốc do phương Tây hậu thuẫn nhằm trừng phạt chính quyền của Tổng thống Assad.

Lập trường của Trung Quốc về Syria cho thấy Bắc Kinh không muốn trở thành một siêu cường toàn cầu giống như Mỹ. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Theo Yin Gang, chuyên gia về Trung Đông tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cuộc xung đột Syria "là cuộc xung đột trong thế giới đạo Hồi nên không cần có sự can thiệp từ bên ngoài" và "những loại xung đột kiểu như thế này sẽ đạt được một sự cân bằng mới trong một giai đoạn ngắn. Nhưng nếu các cường quốc bên ngoài can thiệp, xung đột sẽ trở nên ngày càng hỗn độn”.


CT
(Diplomat)

Chính phủ Syria nêu 'giới hạn đỏ' đàm phán
Chính phủ Syria nêu 'giới hạn đỏ' đàm phán

Ngoại trưởng Syria Walid Muallem ngày 21/1 tuyên bố vai trò tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad là "giới hạn đỏ" đối với phái đoàn của chính phủ trong cuộc đàm phán hòa bình.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN