Cơ hội vui chơi “một cách chuyên nghiệp” cùng trái bóng tròn đã đến với hàng trăm trẻ em kém may mắn, khi các huấn luyện viên cộng đồng tỏa về các câu lạc bộ, các nhóm trẻ yêu thể thao. Các huấn luyện viên này được đào tạo bởi dự án Kỹ năng ngoại hạng, do Hội đồng Anh và Giải Ngoại hạng Anh cùng với sự hỗ trợ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp tổ chức.
Hoạt động bóng đá cộng đồng tại Làng trẻ em SOS, TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: Tư liệu British Council
|
Từ nhiều năm nay, vào mỗi buổi sáng chủ nhật, tại sân Long Biên (Hà Nội) luôn có các hoạt động tập luyện và thi đấu bóng đá cho trẻ em đường phố sinh sống tại khu vực này. Trên những gương mặt các em nhỏ, không còn dấu ấn của những vất vả của cuộc sống thường ngày, mà đầy ắp niềm vui khi được cùng bạn bè đồng trang lứa hòa mình vào niềm hứng khởi với trái bóng tròn.
Đây là chương trình do Quỹ Blue Dragon thực hiện với mục tiêu tạo ra các hoạt động lành mạnh cho trẻ em nơi đây; đồng thời cũng là cơ hội để các nhân viên công tác xã hội có thể tiếp cận những trẻ em lang thang, giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Năm 2011, khóa tập huấn dành cho huấn luyện viên cộng đồng được phối hợp tổ chức bởi Hội đồng Anh, Giải Ngoại hạng Anh và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. 20 học viên thuộc khóa trọng tài cộng đồng và 35 huấn luyện viên cộng đồng đã được đào tạo. Trong số này, có các cán bộ của Blue Dragon đang sinh hoạt thể thao cùng các em nhỏ tại sân Long Biên. Các học viên này đã có cơ hội hợp tác với các huấn luyện viên cộng đồng đến từ các CLB bóng đá QPR, Everton, Portsmouth nổi tiếng của Anh.
Tháng 3/2012, Câu lạc bộ bóng đá dành cho trẻ em đường phố khu vực Long Biên chính thức được khởi động. Cùng với một loạt các câu lạc bộ (CLB) bóng đá khác tại 5 tỉnh, thành (Hà Nội, Phú Yên, Nghệ An, Huế, TP Hồ Chí Minh), CLB này là mô hình CLB bóng đá cộng đồng, có sự hỗ trợ của Dự án Kỹ năng ngoại hạng do Hội đồng Anh và Giải Ngoại hạng Anh, cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thực hiện.
Cũng tại Hà Nội, Trường dành cho trẻ em khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu là nơi có truyền thống về thể thao, đặc biệt là bóng đá. Học sinh của trường đã giành được rất nhiều giải thưởng trong các Hội thao toàn quốc dành cho học sinh khuyết tật. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban giám hiệu trường Nguyễn Đình Chiểu, HLV cộng đồng Lê Hồng Thái đã có ý tưởng thành lập CLB bóng đá cho các trẻ em trong trường với mục đích nâng cao phong trào bóng đá trong nhà trường và giúp các em học sinh có nhiều cơ hội được rèn luyện sức khỏe và tham gia các hoạt động xã hội.
Tại TP Hồ Chí Minh, các HLV của câu lạc bộ là những đồng đẳng viên thuộc dự án N.A.M do Quỹ cứu trợ trẻ em (Save the Children) thực hiện với mục tiêu tiếp cận trẻ em đường phố, đặc biệt những em có nguy cơ bị nhiễm HIV. Mặc dù, dự án đã kết thúc nhưng các bạn đồng đẳng viên vẫn mong muốn duy trì các hoạt động cho nhóm trẻ em này. Với sự hỗ trợ từ dự án Kỹ năng ngoại hạng, các đồng đẳng viên đã được mời tham dự khóa tập huấn dành cho HLV cộng đồng và tiến hành xây dựng câu lạc bộ bóng đá dành cho trẻ em đường phố tại khu vực quận 5 và quận 8. Mục tiêu cuối cùng của câu lạc bộ là giúp các em hình thành thói quen tập luyện thể dục thể thao, tạo sân chơi bổ ích, tăng cường sức khỏe.
Các CLB bóng đá tương tự cũng được ra đời ở TP Vinh (Nghệ An), xã Thuận An (Thừa Thiên - Huế), trường Niềm vui (Phú Yên). 6 CLB trên đây ra đời, là sáng kiến và cũng là sản phẩm hiện thực hóa tâm niệm của các HLV, trọng tài đã được đào tạo bài bản.
Cùng với sáu câu lạc bộ bóng đá cộng đồng này, một loạt các câu lạc bộ bóng đá học đường tại 12 trường THCS thuộc 6 tỉnh, thành sẽ được ra đời trong khuôn khổ của dự án. Huấn luyện viên của các câu lạc bộ này chính là các thầy cô giáo phụ trách của trường, những học viên tham dự khóa tập huấn huấn luyện viên bóng đá cộng đồng của dự án.
“Bóng đá là bộ môn thể thao đầy tính cảm hứng, và chúng tôi đã thành công trong việc truyền cảm hứng cho những bạn huấn luyện viên của khóa học, khi họ quay về với cộng đồng và sử dụng bóng đá như một công cụ mang đến lợi ích cho cộng đồng”- ông Robin Rickard chia sẻ.
Vương quốc Anh xa xôi, và chắc chắn càng xa vời hơn đối với những em nhỏ Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Và có lẽ, ở đâu đó, có thể có những cầu thủ, các huấn luyện viên, nhà tổ chức hay những người hâm mộ... của Giải Ngoại hạng Anh không ngờ được rằng có đã có thêm hàng trăm “niềm hứng khởi” nho nhỏ đã được nhen lên từ những mái nhà thậm chí không có nổi chiêc tivi, từ những em nhỏ thậm chí không thể nghe hay xem được bình luận bóng đá.
Thùy Hương