Chữ “chuyên” sao mà nặng

Sự kiện XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ V-League 2013 giữa chừng và sau đó giải tán đội bóng, đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động đối với cách làm bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Mô hình “bóng đá - doanh nghiệp” đang bị lung lay hơn bao giờ hết.


Đã có một thời, V-League là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam. Giải từng được đánh giá là “số 1” Đông Nam Á, sở hữu nhiều ngôi sao triệu phú, những vụ chuyển nhượng bạc tỷ và tạo ra một làn sóng cầu thủ ngoại tới thi đấu, nhập tịch. Và thời đó, làm bóng đá cũng khá đơn giản: Chỉ cần có tiền là sở hữu ngay được một đội bóng; rồi đầu tư vào đó một dàn ngoại binh, thế là thỏa sức tung hoành ở V-League. Thế mới có chuyện, những đội bóng không có bề dày lịch sử và truyền thống như Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An hay Becamex Bình Dương đã thay nhau thống trị V-League trong một thời gian dài.


XMXT Sài Gòn đã để lại một hình ảnh rất thiếu chuyên nghiệp. Internet


Nhưng đó là khi đồng tiền kiếm được tương đối dễ dàng, các doanh nghiệp không phải băn khoăn nhiều khi "lót tay" vài tỷ đồng để sở hữu một cầu thủ. Chỉ đến lúc cuộc khủng hoảng tài chính quét qua, người ta mới nhận ra những nhược điểm của mô hình làm bóng đá quá ỷ lại doanh nghiệp như vậy. Khi bị bứt khỏi “bầu sữa doanh nghiệp”, các đội bóng mất hết sức đề kháng và không còn con đường nào khác ngoài việc phải giải thể hoặc bị chuyển giao. Cuối năm 2012, có tới 8 đội bóng chuyên nghiệp bị “xóa sổ”.

Theo điều lệ của V-League 2013, mỗi CLB tham dự giải phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu là 35 tỷ đồng/năm (20 tỷ đồng đối với giải hạng Nhất), đảm bảo lương cầu thủ và HLV ở mức tối thiểu là 10 triệu đồng/người/tháng (6 triệu đồng đối với giải hạng Nhất). Ngoài ra, mỗi CLB tham dự V-League 2013 phải nộp lệ phí thi đấu là 500 triệu đồng.


Sau những biến cố gây sốc ấy, những người làm bóng đá đã trở nên thực tế hơn ở mùa giải 2013. Phần lớn các đội bóng đều thận trọng trong cách đầu tư: Không còn những vụ mua bán tiền tỷ, quỹ lương được thu hẹp tới mức tối đa. Song song với đó, các tuyến trẻ được chăm chút hơn và người hâm mộ cũng phần nào được đặt vào vị trí trung tâm như vốn phải vậy. Nhiều người đã mừng vì sau hơn một thập kỷ được gắn mác “chuyên nghiệp”, bóng đá Việt Nam đang dần trở lại với giá trị thực. Mặc dù vậy, vụ việc của XMXT Sài Gòn đã cho thấy rằng công cuộc cải tổ mô hình bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam mới chỉ ở điểm bắt đầu. Về bản chất, các đội bóng vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp.


Ngày 21/8, XMXT Sài Gòn tuyên bố bỏ giải V-League 2013, do “nhà tài trợ dừng tài trợ cho đội bóng”. Đó tất nhiên chỉ là cái cớ để đội bóng này phản ứng lại án kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sau nghi án tiêu cực. Nhưng sự thực là số phận của cả một đội bóng, thậm chí của cả giải đấu, đã phụ thuộc vào sự “ngẫu hứng” của một ông bầu: Thích thì tiếp tục, còn không thích thì “nghỉ chơi” luôn, bất chấp mọi án phạt, bất chấp số phận của hàng chục cầu thủ và bất chấp nỗi đau của người hâm mộ.


Cho dù có đưa ra bất cứ lý do nào, XMXT Sài Gòn cũng đã để lại một vết nhơ trong trang sử bóng đá chuyên nghiệp vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Họ đã phá hỏng cả một mùa giải: Gây xáo trộn lớn trong cuộc đua tới chức vô địch và làm thay đổi quy định về xuống hạng (không còn có đội xuống hạng). Điều đáng lo ngại hơn là XMXT Sài Gòn đã tạo ra một tiền lệ xấu.


Nhìn lại vụ việc của XMXT Sài Gòn, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung đánh giá: “Một đội bóng không có nền tảng như thế mà VPF vẫn chấp nhận cho thi đấu, thì cũng có nghĩa đã chấp nhận cho họ lấn lướt qua mặt”.


Suy cho cùng, gốc rễ của vấn đề vẫn là cách làm bóng đá chuyên nghiệp còn thiếu… chuyên nghiệp của Việt Nam. Đầu mùa giải này, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã mời chuyên gia người Nhật Bản sang hỗ trợ xây dựng mô hình bóng đá chuyên nghiệp và ngay từ đầu, hạn chế lớn nhất là mô hình “một doanh nghiệp - một đội bóng” đã được chỉ ra. Việc phải phụ thuộc vào một doanh nghiệp khiến cho đội bóng nào cũng ở trong trạng thái “mưa đến đâu, mát mặt đến đó”. Nhưng từ nhận thức tới việc làm sao cải thiện cách thức đầu tư tại các đội bóng (nhiều doanh nghiệp cùng đầu tư vào một đội bóng để tránh rủi ro và tăng tính trách nhiệm), làm sao để lấy bóng đá nuôi bóng đá thì lại không phải là chuyện ngày một, ngày hai có thể làm được.


Vậy nên, XMXT Sài Gòn có thể chưa phải là cái tên cuối cùng chia tay bóng đá. Trong mùa giải vừa qua, không ít đội bóng đã dọa bỏ giải, mà phản ứng của họ đối với cách tổ chức, điều hành giải của VFF và VPF chỉ là cái cớ. Trong thời buổi “kinh tế buồn” như hiện nay, việc phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho một đội bóng đang quá sức đối với không ít doanh nghiệp. Tình trạng nợ lương, nợ thưởng, nợ tiền lót tay cầu thủ như “cơm bữa” ở V-League đã cho thấy sức sống mong manh, lay lắt của nhiều đội bóng.


Kienlongbank Kiên Giang đã được cứu và ba đội bóng tân binh sẽ làm gia tăng số lượng CLB ở V-League mùa tới trở lại con số 14 như trước đây. Nhưng từ nay tới khi V-League 2014 khởi tranh, ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra, khi mà một đội bóng như KLB Kiên Giang đã phải lo “chạy ăn từng bữa” cho cầu thủ, theo đúng nghĩa đen, suốt giai đoạn cuối mùa giải vừa qua.



Song Long

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN