Việc tay vợt số 1 làng quần vợt Việt Nam, Lý Hoàng Nam, từ chối cơ hội tham dự giải Grand Slam trẻ danh giá Australia mở rộng 2014 khiến dư luận và giới chuyên môn có những phản ứng trái chiều.
Hoàng Nam muốn đạt điểm rơi phong độ ở giải Pháp mở rộng. |
Cái tên Lý Hoàng Nam đã được nhắc đến như một hiện tượng của quần vợt Việt Nam trong vòng 2 năm trở lại đây. Sở hữu tài năng thiên phú, Hoàng Nam còn nhận được sự đầu tư lớn về tài chính từ đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương. Khi mới 15 tuổi 8 tháng, Hoàng Nam đã lần lượt đánh bại nhiều tay vợt kỳ cựu để giành chức vô địch quốc gia năm 2012. Chỉ 1 năm sau, Hoàng Nam còn xuất sắc giành tấm HCV đơn nam tại Đại hội thể thao trẻ châu Á 2013, rồi vô địch giải U18 ITF Grade 2 tại Bangkok (Thái Lan), đồng thời bảo vệ thành công danh hiệu vô địch đơn nam quốc gia. Lộ trình trở thành tay vợt đẳng cấp chuyên nghiệp thế giới đã được HLV Trần Đức Quỳnh và Becamex Bình Dương vạch sẵn cho Hoàng Nam, sau khi anh trở thành tay vợt trẻ Việt Nam đầu tiên lọt tốp 100 trên bảng xếp hạng trẻ của Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF).
Tin vui bay đến đầu năm 2014, khi Hoàng Nam lọt vào danh sách 46 tay vợt trẻ hàng đầu thế giới được Ban tổ chức giải Australia mở rộng mời tham dự giải trẻ của mình. Giải Australia mở rộng, cùng với Wimbledon, Mỹ mở rộng và Pháp mở rộng là 4 giải đấu quần vợt danh giá nhất thế giới. Bản thân Hoàng Nam đã tham dự nhiều giải trẻ trong hệ thống thi đấu của ITF suốt năm 2013, cũng chỉ nhằm tích lũy điểm số, để có suất sang Australia thi đấu. Thậm chí, Hoàng Nam đã gây tranh cãi khi từ chối cơ hội khoác áo đội tuyển Việt Nam tham dự Davis Cup và giải vô địch Đông Nam Á 2013, để theo đuổi giấc mơ trở thành tay vợt chuyên nghiệp. Kết thúc năm vừa qua, dù chỉ xếp hạng 95 trẻ ITF, nhưng Hoàng Nam vẫn có tên trong danh sách chính thức tham dự giải trẻ Australia mở rộng, do nhiều đối thủ xếp trên giờ đã quá tuổi, hoặc bị chấn thương, hoặc không đủ kinh phí dự giải.
Mục tiêu ban đầu đặt ra đối với Hoàng Nam đã hoàn thành và người hâm mộ Việt Nam cũng háo hức chờ đợi màn ra mắt của tay vợt này tại sân chơi lớn Australia mở rộng. Tuy nhiên, vào phút chót, Becamex Bình Dương và HLV Đức Quỳnh lại bất ngờ rút học trò cưng của mình ra khỏi Grand Slam trẻ đầu tiên của năm 2014. Theo lý giải của HLV Đức Quỳnh, Hoàng Nam đã nhận thức được mình đang ở đâu, sau khi đụng độ và thất bại trước những đối thủ trẻ hàng đầu thế giới ở các giải Eddier Herr và Orange Bowl cuối năm 2013. Vì vậy, thay vì cơ hội được góp mặt một trận ở giải trẻ Australia mở rộng, vốn danh giá nhưng quá khốc liệt, Hoàng Nam sẽ dự 2 giải thuộc hệ thống G1 ở Nam Mỹ để tăng cường kinh nghiệm và chuyên môn. HLV Đức Quỳnh cho rằng, đây là bước lùi cần thiết đối với Hoàng Nam, trước khi tay vợt này tiến ra những sân chơi Grand Slam đẳng cấp và khắc nghiệt.
Lịch trình giải Coffee Bowl tại Costa Rica (từ ngày 6 - 11/1) và Copa Gatorede tại Venezuela (từ ngày 13 - 19/1) trùng thời điểm giải Australia mở rộng, nhưng 2 giải này được đánh giá sẽ có ích hơn cho Hoàng Nam về lâu về dài. Thầy trò Hoàng Nam cũng xác định rằng, điểm rơi phong độ và tâm lý của Hoàng Nam sẽ tốt nhất vào thời điểm giải trẻ Pháp mở rộng (tháng 5). Nếu nóng vội, đốt cháy giai đoạn vào thời điểm này và nhận thất bại tại giải Australia mở rộng, có thể gây tâm lý tự ti và sẽ ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của Hoàng Nam.
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Nguyễn Quốc Kỳ, cho biết: “Dù rất tiếc với cơ hội lịch sử để Lý Hoàng Nam tham dự giải trẻ Australia mở rộng 2014, Tổng cục Thể dục thể thao và LĐQV Việt Nam vẫn tôn trọng quyết định của đơn vị chủ quản. Mỗi quyết định của Becamex Bình Dương đều nằm trong những toan tính riêng của họ, nên chúng tôi không có gì để bình luận về vấn đề này”.
Rút kinh nghiệm từ bất đồng từng xảy ra với Hoàng Nam, LĐQV Việt Nam đã có công văn đề nghị các địa phương cung cấp kế hoạch chuẩn bị tập huấn của các vận động viên đỉnh cao, để Liên đoàn phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho các tay vợt trước các giải đấu lớn trong và ngoài nước. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, quần vợt Việt Nam sẽ có một năm 2014 bận rộn, khi tổ chức 5 giải đấu chính trong nước và 3 giải tầm cỡ quốc tế (2 giải Men's Furture và giải U18 ITF). Ngoài ra, các tay vợt Việt Nam còn phải chuẩn bị cho Asiad 17 tại Hàn Quốc, cũng như cho chiến dịch Davis Cup của đội tuyển nam và Fed Cup của đội tuyển nữ. |
Nguyễn Tuấn