Bóng đá Việt trước thềm SEA Games 26: Bạc tỷ và niềm tin

10 năm "ngập" trong tiền mà vẫn chưa tròn nổi chữ chuyên cùng cái giấc mơ Vàng mãi còn dang dở mà ai cũng biết nguyên do bởi chuyện "xây nhà từ nóc" của cả nền bóng đá quốc gia. Nhưng thật kỳ lạ, chuyện cửa miệng của những người làm bóng đá lúc này vẫn cứ là... tiền, thậm chí còn nhiều tiền hơn nữa!

1. Chuyện tiền của VPF

10 năm với một nền bóng đá rõ ràng không hề là quãng thời gian ngắn bởi cũng cần phải nhắc lại rằng, giải VĐQG - tiền thân V-League chỉ mới ra đời vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Vậy mà 10 năm vốn luôn được những nhà quản lý bóng đá Việt "tự hào" kia mới chốc đây đã biến thành con số 0 tròn trĩnh sau màn tấn công "chớp nhoáng" từ các ông bầu doanh nghiệp thông qua cái gọi là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF.
Thực ra, nếu không tính đến yếu tố bất ngờ về thời điểm cũng như hoàn cảnh, thì sự ra đời của VPF được xem như bước đi tất yếu trên lộ trình chuyên nghiệp hóa mà thực tế các nền bóng đá hàng đầu trên thế giới là minh chứng. Hơn thế, sau cả quá trình điều hành, quản lý yếu kém kéo dài của VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam), VPF giống như là "vị cứu tinh" không chỉ cho các giải đấu chuyên nghiệp mà cả cho quá trình phát triển trong tương lai của bóng đá nước nhà. Điều đó đã lý giải tại sao mô hình VPF ngay lập tức được thông qua và nhận được sự đồng tình của người hâm mộ cả nước cũng như thái độ "bật đèn xanh" từ các cấp quản lý có thẩm quyền.

Các tuyển thủ U23 đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 26. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN


Chỉ có điều, ngay đằng sau sự hào hứng khởi đầu kia, thì nỗi lo cũ lại ập về - Nỗi lo... tiền! Đặt ra hai mục tiêu lớn là giúp bóng đá Việt Nam "sạch" hơn và tăng thêm khả năng kiếm lợi nhuận bằng mô hình công ty doanh nghiệp. Thế nhưng khi VPF chuẩn bị thành hiện thực, cái mục tiêu thứ hai lại được những người trong cuộc nhắc nhiều hơn tất cả. Nào là việc đòi lại bản quyền truyền hình, nguồn thu được xem là con bò sữa của bóng đá; đến những ý tưởng như mời Manchester United sang Việt Nam, tới chuyện bán vé, quảng cáo... thậm chí là kinh doanh cả... phim ảnh! Chưa hết, trong chuyến du đấu giao hữu của đội tuyển Việt Nam tại Nhật Bản vừa qua, phái đoàn của VFF còn "khăn gói" học các tổ chức giải chuyên của nước chủ nhà và "tá hoả" khi thấy những nguồn thu khổng lồ từ bóng đá.

Tóm lại, cứ nhìn vào bản đề án và những tuyên bố hùng hồn của những người chắp bút, tham gia xây dựng, VPF sẽ sớm biến thành thứ công ty... siêu lợi nhuận. Vậy thì mục tiêu đầu tiên - bóng đá "sạch" bao giờ có? Chưa ai biết và tất cả đều biết rằng, lợi nhuận sẽ chỉ đến với nền bóng đá thực sự phát triển. Vậy nên mới có chuyện, các ông bầu và kể cả VFF bây giờ lo đến chuyện tiền, rất nhiều tiền, còn các đội bóng - cấu thành quan trọng nhất của cả nền bóng đá lại lo về chuyên môn dưới thời cái gọi là VPF! Cái nào đáng lo hơn?

2. Chuyện SEA Games và tiền thưởng
Cuộc tăng tốc của đội U23 nam quốc gia cho giấc mơ Vàng còn dang dở tại đấu trường SEA Games đã chính thức bắt đầu. Quyết tâm, hy vọng và niềm tin - đương nhiên là những chuyện không cần phải bàn đến bởi tấm HCV kia giống như món nợ với người hâm mộ mà hơn nửa thế kỷ vẫn chưa trả xong mặc cho có không ít cơ hội. Hơn thế, chỉ khi hoàn tất được cú đúp Vàng (vô địch AFF Cup và vô địch SEA Games), bóng đá Việt Nam mới có thể nghĩ đến chuyện nâng tầm lên châu lục.
Ngặt nỗi, bóng đá lại chẳng bao giờ cũng giống như phép cộng và niềm tin dù lớn đến mức nào đi nữa, cũng chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ cho ngôi Vương. Chẳng khó để nhận ra những thách thức mà thày trò HLV Falko Goetz sẽ phải đối mặt ở Inđônêxia vào tháng 11 tới. Quy tụ hầu hết các gương mặt trẻ xuất sắc hiện nay, nhưng sức mạnh của U23 Việt Nam vẫn chưa thể hiện được nhiều, nhất là qua lần thử lửa đầu tiên tại giải quốc tế TP.HCM. Rồi từ nay tới SEA Games 26 còn chưa đầy 1 tháng theo lịch mới mà phía Inđônêxia vừa thay đổi (ngày 3/11 thay cho ngày 7/11), U23 Việt Nam cũng chỉ có 3 trận cuối tại VFF Cup (từ 19 đến 23/10) để hoàn thiện. Đó là còn chưa kể đến sức cạnh tranh tại sân chơi quen thuộc này, khi từ người Thái, đến chủ nhà Indo và cả ĐKVĐ Malaixia, sức mạnh vẫn là ẩn số.
Hành trình của U23 tại SEA Games 26 dĩ nhiên là điểm nóng nhất của bóng đá Việt Nam lúc này, nhưng vừa qua lại có thứ còn nóng hơn nhiều - 1 triệu USD tiền thưởng nếu đăng quang chức vô địch - mức thưởng cao nhất trong lịch sử các kỳ SEA Games. Chuyện "hay - dở" của việc treo thưởng vẫn cứ là chủ đề phải bàn cãi. Với những ông bầu đang hứa "mở hầu bao" thì chuyện thưởng được gắn với... tinh thần dân tộc, lợi ích quốc gia! Nhưng ngược lại, bài học "đắng" về những lần treo thưởng trước vẫn còn chưa nguôi trong lòng người hâm mộ. Thế nên, có người "ác mồm" khi ví 1 triệu USD giống như treo trên cột mỡ, nếu chỉ trông vào niềm tin...

Vũ Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN