"Bão hòa" ngoại binh

Viễn cảnh về một nơi làm việc kiếm được nhiều tiền, lót tay cao, chuyển nhượng hậu hĩnh và cũng dễ thích nghi với môi trường sống đang dần trở thành chuyện đã xa ở V-League. Trước thềm mùa bóng 2012, lượng cầu thủ ngoại cập bến các đội bóng Việt Nam không còn ồ ạt và trên thực tế, cung cách tuyển chọn cũng đã trở nên chặt chẽ hơn.

Nếu như trước đây, một đội bóng muốn tìm ngoại binh mới thường đều phải thông qua những nhà môi giới chuyên nghiệp. Cách làm này càng thực hiện càng cho thấy không ổn, không chỉ về mặt giá cả, bị đẩy lên cao quá mức mà chất lượng từng cầu thủ cũng gần như phó mặc cho giới này vì thời gian thử việc ở mỗi đội bóng không nhiều. Nay xu hướng đã thay đổi. Không ít đội bóng đã cất công sang tận nơi tìm hiểu, trực tiếp kiểm tra trình độ cầu thủ, đồng thời hợp tác với các trung tâm đào tạo, hoặc các CLB nước ngoài, nhất là ở khu vực châu Phi, thị trường luôn được coi là tiềm năng và phù hợp với môi trường bóng đá Việt Nam. Đi đầu trong xu hướng này chính là SLNA. Đội bóng xứ Nghệ sau khi để tuột bộ ba từng giúp họ lên đỉnh V-League mùa giải vừa qua là Fagan, Hodges và Kavin, đã tiếp tục trung thành với xu hướng đã từng mang lại thành công cho mình. Với cách này, SLNA không những không thiếu nguồn cầu thủ mà họ cũng được quyền chọn ra các gương mặt ưng ý nhất, vừa có trình độ lại phù hợp với lối chơi truyền thống của đội.

Khatoco Khánh Hòa cũng đã học cách làm của SLNA. Tuy nhiên, còn có một cách tuyển lựa ngoại binh khác an toàn hơn, không mất nhiều thời gian thử việc và tránh được rủi ro, nhưng bù lại phải bỏ ra một khoản tiền lớn mới ký được hợp đồng, đó là lấy về những cầu thủ cũ, đã từng thi đấu một vài năm tại V-League. Đối với số cầu thủ này, chất lượng thì có thể yên tâm nhưng tiền bỏ ra thì phải nhiều nhưng lại tiềm ẩn những nguy cơ khó lường trong quản lý. Sở dĩ có chuyện đó là bởi, cầu thủ ngoại đến với V-League lúc đầu có thể còn bỡ ngỡ, nhưng chỉ khoảng một thời gian ngắn là có sự thích nghi. Không chỉ các trọng tài khi điều khiển trận đấu trên sân phải đề phòng và tinh ý, ngay chính lãnh đạo các CLB cũng phải "cao tay" mới không để cầu thủ của mình qua mặt.

Sau nhiều mùa giải tiến hành thử nghiệm chuyên nghiệp, rồi chính thức chuyên nghiệp, thị trường chuyển nhượng ngoại binh đã trở nên bão hòa. Khủng hoảng kinh tế cũng là một trong những lý do khiến ngày càng ít các bản hợp đồng khủng cỡ như Denilson năm nào. Ngay đến cả một giải đấu tập huấn vốn được coi là "chợ" cầu thủ nhiều năm qua như BTV Cup thì nay cũng kém sức hút đối với các đội bóng. Chắc chắn, BĐVN sẽ còn nhiều thay đổi khác nữa, nhất là khi từ mùa bóng 2012, giải đấu sẽ được điều hành bởi công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) thay vì VFF như trước kia.

Hàn Đan

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN