Báo động đỏ cho World Cup 2014

Khi những trận cầu nóng bỏng của Confederations Cup 2013 diễn ra tại 6 sân vận động ở Brazil, thì cũng là thời điểm hơn 100 thành phố trên khắp nước này bùng nổ cơn thịnh nộ của người biểu tình. Trên 2 triệu người đã đổ xuống đường để phản đối nạn tham nhũng xảy ra trong quá trình chuẩn bị cho các sự kiện thể thao lớn sắp tới tại Brazil. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần trong số những thách thức mà các nhà tổ chức phải đối mặt để giành được lòng tin của dư luận trong nước và quốc tế trước thềm World Cup 2014.

 

Người biểu tình giơ cao biểu ngữ phản đối World Cup 2014. Ảnh: internet


Nước chủ nhà World Cup 2014 dường như chưa hoàn toàn sẵn sàng cho giải đấu lớn mà họ đã tốn không ít công sức mới giành được quyền đăng cai. Khi chứng kiến làn sóng phản đối dữ dội suốt từ đầu tháng 6, cả thế giới khó có thể tin tưởng vào một Brazil ổn định, tiện nghi, hiếu khách, vào một điểm đến lý tưởng cho các fan bóng đá. Confederations Cup 2013 là dịp để quốc tế hướng về Brazil và người biểu tình đã tận dụng điều đó.


Bắt đầu trong hòa bình do phản đối giá vận tải công cộng tăng cao, các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo động và cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay, súng cao su để giải tán đám đông. Tình hình đó đã làm dấy lên vô số lo ngại rằng các vụ bạo động sẽ lại xảy ra trong thời gian World Cup 2014. An ninh cho giải đấu lớn hơn Confederations Cup rất nhiều, liệu có thể được đảm bảo?


Trên thực tế, chính các nhà tổ chức những giải đấu ấy đã tự buộc chân mình và buộc chân hàng triệu người dân Brazil. Vì Confederations Cup 2013 hay World Cup 2014, cuộc sống của không ít người đã bị ảnh hưởng. Chính phủ cần tiền và họ lấy ngân sách từ số tiền thuế rất cao mà người dân phải cắn răng chi trả. Trung bình, một công dân Braxin phải trả thuế 40,5% từ thu nhập của họ. Vấn đề là với số tiền thuế đó, đáng ra các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục, giao thông... phải có chất lượng cao, nhưng sự thực thì hoàn toàn ngược lại. Giá cả thì cứ tăng mãi, lạm phát ngày càng tồi tệ, lên tới 6,5% trong tháng 5, thuộc hàng cao nhất trong 1 năm qua.


Trong bối cảnh đó, với người dân Brazil, mức chi phí ước tính hơn 14 tỷ USD cho World Cup 2014, có vẻ là một sự lố bịch. Họ có lý do để nghi ngờ số tiền này đã bị tham nhũng nặng nề. Dù đã có hơn 3 tỷ USD đã được chi ra cho tới nay, nhưng rất nhiều sân vận động vẫn chậm tiến độ hoặc không đáp ứng được yêu cầu của FIFA. Quá trình xây dựng, cải tạo liên tục bị trì hoãn cho tới sát Confederations Cup, trong đó sân vận động huyền thoại Maracana đã bội chi đến 250 triệu USD. Người Brazil đang đặt câu hỏi rằng, điều họ cần là dịch vụ công thích hợp hay những sân bóng tốn kém mà xây mãi vẫn không xong? Họ tố cáo công quỹ chỉ chảy vào túi các chính trị gia và các công ty lớn, trong đó có các nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng.


Có thể nói, các nhà tổ chức Braxin không thể cân bằng được lợi ích của các thành phần xã hội khi chuẩn bị tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Điều đó có nghĩa là họ vẫn sẽ sa trong vũng lầy xây dựng và đối mặt với sự phản đối.


Nhưng với số tiền chuẩn bị khổng lồ, World Cup sẽ mang lại gì cho nền kinh tế và xã hội Brazil? Triển vọng là rất lạc quan. Báo cáo của Ernst & Young cho rằng GDP của Braxin sẽ tăng 6% trong năm 2014 nhờ sự kiện này, bên cạnh 3 triệu việc làm mới cho tới năm 2016. Trong đó các ngành thực phẩm, vật tư và du lịch được cho là sẽ mang lại lợi nhiều nhất cho Braxin khoảng 4,14 tỷ USD. Số lượng khách nước ngoài được dự đoán là tăng tới 79% trong mùa hè năm tới, tức là 1 triệu người trong vòng 2 năm.


Con số đó có vẻ rất đáng mừng. Nhưng đó là nếu du khách không gặp phải một vết gợn nào như những cuộc biểu tình vừa qua. Trong quá khứ, các sự kiện thể thao lớn chưa chắc đã thu hút nhiều khách nước ngoài hơn, điển hình là Olympic Bắc Kinh 2008 có số du khách không khác mấy so với cùng kỳ năm 2007. Sự đông đúc, điều kiện ăn nghỉ không đảm bảo và giá cả tăng cao có thể sẽ đẩy đi một phần du khách không quan tâm đến bóng đá, hay đơn giản là họ không sẵn sàng chi nhiều tiền. Mà đó lại là những gì đang xảy ra ở Brazil. Du lịch - mũi nhọn của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, sẽ không thể khiến đất nước cất cánh, nếu các vấn đề như biểu tình thời gian qua không được giải quyết ổn thỏa.


Các giải đấu lớn như Confederations Cup, World Cup hay xa hơn nữa là Olympic 2016 chắc chắn sẽ có lợi cho Brazil về nhiều mặt. Nhưng với vô vàn trở ngại hiện tại, đã đến lúc các nhà lãnh đạo nước này phải nhìn nhận lại những gì họ đã và đang chuẩn bị. Họ sẽ phải giải bài toán bất mãn hiện tại của chính công dân nước mình nếu không muốn cay đắng nhìn World Cup 2014 sụp đổ.



Trần Anh

Biểu tình tiếp diễn tại Brazil
Biểu tình tiếp diễn tại Brazil

Chiến thắng 3-0 của đội tuyển quốc gia Brazil trước đối thủ Tây Ban Nha tại trận chung kết Cúp các liên đoàn đã không thể xoa dịu bầu không khí nóng bỏng trên các đường phố chính tại nhiều thành phố lớn ở quốc gia Nam Mỹ này khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ vẫn tiếp diễn.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN