Trải qua các lần tham dự Thế vận hội Paralympic, các VĐV khuyết tật Việt Nam đã từng bước phát triển, với chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Sân chơi thể thao dành cho người khuyết tật, qua từng đại hội ở từng cấp khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới (Para Games, Asian Games và Paralympic), là nơi tụ hội của những con người “tàn nhưng không phế”. Ở đó, mỗi VĐV không chỉ vượt lên chính mình, mà đã làm nên những điều kỳ diệu, khẳng định sức sống mãnh liệt và khát khao hòa nhập cộng đồng thông qua hoạt động thi đấu thể thao.
Lực sỹ Lê Văn Công được kỳ vọng sẽ làm nên bất ngờ tại Paralympic Rio 2016. |
Qua các giải thể thao người khuyết tật thế giới, các VĐV của Việt Nam đã vượt qua các vòng loại một cách ấn tượng để đến với Thế vận hội Paralympic này. Lực lượng VĐV tham dự lần này hầu hết là những gương mặt quen đã trải qua Thế vận hội Paralympic, London (2012). Sau 4 năm, những VĐV này đã trải qua nhiều giải thể thao tầm cỡ thế giới đã trưởng thành hơn về nhiều mặt. Tâm lý khi thi đấu ổn định, kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chuyên môn ngày một nâng lên. Với những thành tích đã đạt được, đây được đánh giá là “Thế hệ vàng” của thể thao khuyết tật Việt Nam. Lần tham dự này, các VĐV sẽ không còn ở trạng thái thi đấu cọ xát, học hỏi. Với tuổi đời còn trẻ, cùng thành tích được xác lập, họ hoàn toàn có khả năng tranh chấp giành huy chương.
Tham dự Thế vận hội này, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam với 21 thành viên. Đây là kỳ Thế vận hội mà thể thao khuyết tật Việt Nam có số lượng VĐV vượt qua vòng loại nhiều nhất trong các lần tham dự, trong đó 11 VĐV, sẽ tranh tài ở các môn điền kinh, cử tạ, bơi lội. Paralympic Rio 2016 có sự tham dự của 4.500 VĐV của 176 quốc gia trên thế giới. |
Với thành tích 9 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ giành được tại Asian Para Games 2014 và những niềm hy vọng từng giành HCV, lập kỷ lục thế giới, châu Á, như: Lê Văn Công, có 6 nội dung đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam có khả năng tranh chấp huy chương. Cũng chưa bao giờ các VĐV được chăm sóc, đầu tư tốt như kỳ Paralympic này, khi được tập trung ngay từ đầu năm và chế độ ăn uống, phương tiện, phương pháp tập luyện đều được cải thiện đáng kể.
Ở môn bơi lội, “kình ngư” từng giành 5 HCV châu Á - Võ Thanh Tùng được kỳ vọng sẽ giải tỏa “cơn khát vàng” cho đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam. Bên cạnh Thanh Tùng, giới chuyên môn còn chờ đợi sự bứt phá đến từ những cái tên quen thuộc như Trịnh Thị Bích Như, Nguyễn Thành Trung.
Ở môn điền kinh, Cao Ngọc Hùng nổi lên như một chú “ngựa ô” sáng giá trên đường chạy sau khi bất ngờ giành HCV tại giải Điền kinh châu Á - Đại Dương diễn ra ở Dubai mới đây, giải đấu quy tụ đầy đủ các hảo thủ trên thế giới. Tiếp đến cũng phải kể đến Trịnh Thị Bích Như, HCB Cúp thế giới hay Nguyễn Bình An (cử tạ, hạng 52kg), hiện đang ở tốp 5 thế giới.
Ở nội dung cử tạ, lực sĩ Lê Văn Công đang giữ kỷ lục thế giới ở mức tạ 181,5kg. Hy vọng Lê Văn Công sẽ mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam tại một kỳ Paralympic. |