Tham dự tranh tài bộ môn có 47 vận động viên đến từ 5 đoàn trên toàn quốc. Bộ môn Thể dục dụng cụ sẽ có 14 nội dung gồm: Đồng đội nam, toàn năng nam, tự do nam, ngựa vòng, vòng treo, nhảy chống nam, xà kép, xà đơn, đồng đội nữ, toàn năng nữ, tự do nữ, xà lệch, cầu thăng bằng và nhảy chống nữ.
Ở ngày thi đấu thứ nhất khởi tranh, các vận động viên sẽ thi đấu vòng loại (CI), chung kết đồng đội (CII) và chung kết toàn năng (CIII). Ở mỗi nội dung thi đấu, mỗi vận động viên chỉ được phép thực hiện 1 bài tập tự chọn trên từng dụng cụ. Riêng nội dung nhảy chống chỉ tính 1 động tác đầu tiên (thứ nhất) cho cuộc thi CII và CIII, vận động viên muốn tham dự cho cuộc thi CIV thì phải thực hiện 2 động tác từ nhóm khác nhau.
Mỗi một nội dung lấy 4 bài thi có tổng số điểm cao nhất trong mỗi đội (trong số 5 vận động viên đăng ký thi) được tính là điểm của toàn đội trong nội dung đó. Tổng số điểm của từng đội trong tất cả các nội dung quy định (6 nam và 4 nữ) là điểm chính thức về đồng đội của đội đó.
Thi chung kết đơn môn sẽ giành cho 8 vận đông viên nam và 8 vận động viên nữ xuất sắc nhất trong từng nội dung tại các cuộc thi CI. Giới hạn tham dự cho từng đơn vị ở mỗi nội dung là 2 vận động viên nam và 2 vận động viên nữ có số điểm cao nhất.
Sang ngày thi thứ 2, các vận động viên sẽ thi đấu chung kết đơn môn nam nữ (CIV). Trong đó Nam sẽ có ba nội dung gồm: Thể dục tự do, ngựa vòng, vòng treo. Nữ sẽ gồm 2 nội dung: Nhảy chống và xà lệch.
Ở ngày thi thứ 3, là vòng chung kết đơn môn nam nữ (CIV). Ở nội dung Nam sẽ gồm: Nhảy chống, xà kép và xà đơn. Ở nội dung nữ gồm: Cầu thăng bằng và thể dục tự do.
Bộ môn Thể dục dụng cụ sẽ thi đấu từ ngày 10/12 đến ngày 12/12.