Ở nội dung 10 m súng ngắn hơi nam, dù gặp nhiều đối thủ kinh nghiệm, nhưng Quang Huy đã thi đấu xuất sắc và ổn định để lên ngôi vô địch với thành tích 220,9 điểm. Đây cũng là nội dung xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng vô địch Olympic 2016. Hiện cựu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và chuyên gia Park Chung Gun là người huấn luyện xạ thủ Phạm Quang Huy.
Ngoài ra, Phạm Quang Huy cùng Lại Công Minh và Phan Công Minh cũng giành HCĐ nội dung 10m súng ngắn hơi đồng đội nam.
Tấm HCV của Phạm Quang Huy là cú hích cho Đoàn thể thao Việt Nam vì ngay sau đó, VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong đoạt HCB thể dục dụng cụ ở nội dung vòng treo với số điểm 14,600. HCB của Khánh Phong cũng là HCB đầu tiên của thể dục dụng cụ Việt Nam kể từ khi VĐV Phan Thị Hà Thanh lập công ở nội dung cầu thăng bằng năm 2014. Như vậy, sau 9 năm, thể dục dụng cụ Việt Nam mới lại giành bạc ở ASIAD.
Cũng trong ngày hôm nay, ở nội dung bơi 800 m tự do nam, kình ngư Huy Hoàng đạt thành tích 7 phút 51,44 giây, đứng thứ ba tại chung kết và đoạt huy chương đầu tiên cho đội bơi ở ASIAD 2023. Thành tích này cũng giúp Huy Hoàng vượt chuẩn A Olympic (7 phút 51,65 giây) để giành suất tới Olympic Paris 2024. Tại kỳ ASIAD trước, Huy Hoàng từng giành HCĐ nội dung này.
Ở môn bóng đá nữ, đội tuyển Việt Nam đã không thể chống đỡ được sức mạnh của đội tuyển Nhật Bản ở lượt trận cuối vòng bảng. Trận thua đậm 0-7 khiến đội tuyển nữ Việt Nam phải sớm dừng bước tại ASIAD lần này.
Tính đến 20h45 ngày 28/9, đoàn thể thao Việt Nam đang đứng thứ 15 trên bảng tổng sắp huy chương ASIAD 2023 với 1 HCV, 2 HCB và 11 HCĐ.
Sau đây là bảng tổng sắp huy chương tính tới 20h30 ngày 28/9:
1. Trung Quốc 167 HC (90V, 51B, 26Đ)
2. Hàn Quốc 86 HC (24V, 23B, 39Đ)
3. Nhật Bản 78 HC (18V, 30B, 30Đ)
4. Uzbekistan 31 HC (6V, 10B, 15Đ)
5. Ấn Độ 25 HC (6V, 8B, 11Đ)
6. Thái Lan 18 HC (6V, 3B, 9Đ)
7. Hong Kong (Trung Quốc) 32 HC (5V, 12B, 15Đ)
8. Đài Bắc Trung Hoa 14 HC (4V, 4B, 6Đ)
9. Iran 22 HC (3V, 9B, 10Đ)
10. Triều Tiên 12HC (3V, 5B, 4Đ).