* Người nước ngoài sơ tán khỏi Cốt Đivoa, Xyri
Cảnh sát Yêmen ngày 4/4 đã phải dùng đến súng bắn đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông người biểu tình đang cố xông vào tòa nhà chính quyền tỉnh ở thành phố Taiz.
Hàng ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối chính phủ ở thành phố Taiz ngày 4/4. Ảnh: AFP-TTXVN |
Đài truyền hình đưa tin ít nhất 1 người đã thiệt mạng nhưng chưa có thông tin xác nhận. Tỉnh trưởng Taiz bác bỏ thông tin về người thiệt mạng, song xác nhận có hàng trăm người bị thương, trong đó có 8 cảnh sát. Sau khi xảy ra đụng độ, xe tăng đã được huy động phong tỏa Quảng trường Tự do, địa điểm cố thủ của lực lượng đối lập từ tháng 2/2011.
Trước đó không lâu, cảnh sát Yêmen cũng dùng biện pháp tương tự đối với đám đông hàng ngàn người biểu tình tổ chức tuần hành tới dinh tổng thống ở thành phố Hudaida. Theo hãng tin Reuters, người biểu tình tổ chức tuần hành lúc 2 giờ sáng (giờ địa phương) xuất phát tại Taiz ở phía nam thủ đô Xana.
Sau khi xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát, các bác sĩ tại một bệnh viện ở Hudaida đã tiếp nhận 9 người bị thương do đạn bắn, 350 người bị ảnh hưởng do hít phải hơi cay và khoảng 50 người bị thương khác.
Biểu tình gây bạo động cũng xảy ra tại nhiều tỉnh thành khác của Yêmen như Aden, Al-Bayda, Ipps… Bất chấp bạo động leo thang, Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh không có ý định từ chức hay nhượng bộ phe đối lập. Cho đến nay, Mỹ cũng chưa đưa ra tuyên bố công khai kêu gọi ông Saleh rời bỏ quyền lực. Tuy nhiên, tờ New York Times đưa tin Mỹ đã kết luận rằng ông Saleh sẽ không đáp ứng yêu sách của phe đối lập và cần phải ra đi. Một số quan chức Mỹ đã đề cập đến vấn đề người kế nhiệm ông Saleh.
Trong khi đó, các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng vịnh (GCC) đang tìm cách làm trung gian hòa giải giữa chính phủ Yêmen và phe đối lập để chấm dứt tình trạng biểu tình bạo lực.
* Tại Cốt Đivoa, nhóm người nước ngoài đầu tiên đã được sơ tán khỏi thủ đô Abigiăng của Cốt Đivoa trong bối cảnh giao tranh và cướp bóc diễn ra tràn lan. Tình hình căng thẳng tại Abigiăng đã lên mức cao khi người dân, phần lớn do lo sợ "tên bay đạn lạc", đã rời bỏ nhà cửa và chờ đợi một thỏa thuận cuối cùng giữa hai bên.
Trong khi đó, tiếp theo việc Phái bộ LHQ sơ tán khoảng 200 nhân viên, quân đội Pháp tại Cốt Đivoa cũng cho biết 167 người nước ngoài, trong đó có công dân Pháp và Libăng, đã rời Abigiăng để tới thủ đô Đắcca của Xênêgan trên một chuyến bay đặc biệt.
* Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/4 (giờ Việt Nam) cũng cho phép gia đình các nhân viên chính phủ Mỹ rời Xyri. Ngoài ra, các công dân Mỹ khác ở Xyri được khuyến cáo lưu ý đến tình hình an ninh và cân nhắc rời nước này. Mỹ cũng khuyên công dân hoãn các chuyến đi không cần thiết tới Xyri vào thời điểm này.
Thùy Dương