Theo ABC News (Mỹ), Matthew W. làm việc tại phòng cấp cứu của một bệnh viện ở thành phố San Diego, bang California. Anh đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech từ hôm 18/12. Tác dụng phụ duy nhất mà y tá này gặp phải sau khi tiêm vaccine là đau nhức cánh tay.
Sáu ngày sau, khi đang làm việc trong ca trực tại bộ phận điều trị bệnh COVID-19, Matthew xuất hiện các triệu chứng như ớn lạnh, đau cơ và mệt mỏi. Xét nghiệm tại bệnh viện đã xác nhận Matthew dương tính với virus SARS-CoV-2.
“Viễn cảnh này không nằm ngoài dự đoán”, Tiến sĩ Christian Ramers, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Sức khỏe Gia đình San Diego, nói. Ông cho biết bệnh nhân sẽ không thể hình thành ngay lập tức khả năng bảo vệ trước COVID-19 sau khi được tiêm chủng.
“Chúng tôi biết rằng các thử nghiệm vaccine lâm sàng sẽ mất khoảng từ 10 đến 14 ngày để bệnh nhân bắt đầu phát triển khả năng bảo vệ từ vaccine”, ông nói và cho biết ngay cả sau 10 đến 14 ngày này, bệnh nhân vẫn cần tiêm liều vaccine thứ hai để được bảo vệ toàn diện. "Chúng tôi nghĩ liều đầu tiên sẽ mang lại cho bệnh nhân hiệu quả khoảng 50% và họ cần tiêm liều thứ hai để đạt được 95%", ông Ramers nói thêm.
Bên cạnh đó, có một khả năng khác. Do thời gian ủ bệnh COVID-19 có thể kéo dài đến 14 ngày, nên cũng có thể Matthew đã nhiễm virus SARS-CoV-2 trước khi tiêm vaccine hôm 18/12.
Cả hai khả năng này đều là lời nhắc nhở rằng vaccine không phải là thuốc giải quyết mọi vấn đề. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng việc ngăn chặn đại dịch sẽ cần nhiều thời gian hơn và mọi người nên tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn thực hành sức khỏe cộng đồng cơ bản, như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
“Bạn chắc hẳn đã nghe thấy rằng các chuyên gia y tế rất lạc quan về việc đây là khởi đầu của sự kết thúc. Tuy nhiên, quá trình này sẽ diễn ra chậm chạp, vài tuần đến vài tháng khi các quốc gia bắt đầu triển khai tiêm vaccine”, ông Ramers nói.