Ý kiến trái chiều về sự tồn tại của biến thể Deltacron

Sau khi CH Cyprus công bố phát hiện biến thể mới mang tên Deltacron, được cho là sự kết hợp của biến thể Delta và biến thể Omicron, giới nghiên cứu đã có một số ý kiến hoài nghi về sự tồn tại của biến thể này. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nicosia, CH Cyprus ngày 4/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiến sĩ vật lý trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm Krutika Kuppalli, người làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định: “Deltacon không có thực”. Trên trang Twitter của mình, tiến sĩ Kuppalli viết: “Deltacon không có thực và có thể là sản phẩm của quá trình lây nhiễm trong phòng thí nghiệm, khi mẫu xét nghiệm Delta bị nhiễm một đoạn gene của Omicron". 

Nhà virus học của Đại học Hoàng gia Anh, ông Tom Peacock cũng cho rằng đây rõ ràng là trường hợp nhiễm chéo trong phòng thí nghiệm. Theo ông, hai biến thể không cùng một hệ gene, và cái gọi là biến thể Omicron thực chất là một đoạn gene mồi mang amplicon của Omicon trong một bộ gene xương sống là Delta”. 

Chuyên gia y tế toàn cầu, Tiến sĩ Boghuma Kabisen Titanji cũng bày tỏ nghi ngờ và kêu gọi mọi người “hãy thận trọng” khi tiếp nhận thông tin về biến thể mới. Bà cho biết: “Thông tin hiện có cho thấy mẫu phẩm là sự lây chéo,  thay vì kết hợp giữa Delta với Omicron”. Theo bà, điều tốt nhất chúng ta có thể làm thay vì lo lắng là đảm bảo rằng vaccine có đủ cho mọi người tiêm và kết hợp tiêm phòng với các chiến lược khác để virus có ít cơ hội lây lan.

Về phần mình, giáo sư về gene vi sinh vật tại Đại học Bristol ở England, ông Nick Loman thừa nhận đúng là các dạng kết hợp của virus có thể xuất hiện khi có nhiều biến thể của một bệnh cùng lây lan. Tuy nhiên, ông cho biết dù một sự kết hợp giữa Delta và Omicron không phải quá ngạc nhiên, nhưng phát hiện của nhà khoa học người Cyprus giống nhiều hơn với “một kết quả kỹ thuật” xảy ra trong quá trình giải trình tự gene của virus.

Giáo sư sinh học tại Đại học Cyprus, Leondios Kostrikis đã thông báo phát hiện biến thể Deltacron tại CH Cyprus hồi tuần trước. Ông đã xác nhận 25 ca nhiễm biến thể mới này, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động tiềm ẩn của nó. Trước những ý kiến nghi ngờ nói trên, Giáo sư Kostrikis cho biết các ca nhiễm mà ông xác định được “cho thấy chủng ban đầu chịu sức ép lớn để tạo các đột biến này và đây không phải là một sự tái kết hợp đơn thuần”. Ông cũng cho biết sự lây lan Deltacron được ghi nhận nhiều hơn ở những bệnh nhân đã nhập viện so với các ca nhiễm không phải nhập viện, vì vậy loại trừ khả năng lây nhiễm giả định trong phòng thí nghiệm. Hơn nữa, các mẫu bệnh được nghiên cứu qua nhiều thủ tục giải trình tự gene khác nhau ở nhiều nước. Ít nhất một đoạn gene từ Israel gửi trong cơ sở dữ liệu toàn cầu đã tồn tại các đặc tính của Deltacron. Ông nhấn mạnh: “Các phát hiện này đã bác bỏ những tuyên bố không có căn cứ rằng Deltacron là kết quả của một lỗi kỹ thuật”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Cyprus, Michael Hadjipantela ngày 9/1 cho biết biến thể mới Deltacron không đáng lo ngại.

Bích Liên (TTXVN)
Trung Quốc ứng phó với biến thể Omicron
Trung Quốc ứng phó với biến thể Omicron

Thành phố Thiên Tân ở miền Bắc Trung Quốc, nơi sinh sống của 15 triệu dân và cũng là cửa ngõ chính vào thủ đô Bắc Kinh, đã bắt đầu xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn sau khi phát hiện 21 ca mắc COVID-19 chỉ trong một ngày, trong đó có 2 trường hợp được xác định nhiễm biến thể Omicron.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN