Ngày 22/5, quân đội Thái Lan đã giành quyền kiểm soát đất nước, lật đổ chính phủ dân sự và đình chỉ Hiến pháp trong một cuộc đảo chính mà quân đội nói rằng nhằm chấm dứt nhiều tháng bất ổn chính trị gây đổ máu. Dưới đây là những thông tin cơ bản về tình hình hiện nay tại Thái Lan:
Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng? Vương quốc này vốn đã bất ổn nhiều năm nay do tình trạng chia rẽ chính trị gây ra, giữa một bên gồm chủ yếu là tầng lớp lao động vùng nông thôn ủng hộ cựu Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy hiện đang sống lưu vong là Thaksin Shinawatra, và một bên gồm những người thuộc tầng lớp trung lưu thành thị, người miền Nam và tầng lớp giàu có ở Bangkok - những người khinh ghét ông Thaksin.
Ông Thaksin đã định hình lại bối cảnh chính trị của Thái Lan bằng cách thu hút sự ủng hộ của các cử tri ở khu vực nông thôn miền Bắc bằng các chính sách như dịch vụ y tế giá rẻ và chương trình tín dụng nhỏ. Ông đã mâu thuẫn với giới quyền uy, vốn luôn coi ông là mối đe dọa đối với nền quân chủ, trước khi ông bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006.
Ông Thaksin và em gái là bà Yingluck Shinawatra. |
Em gái của ông Thaksin là bà Yingluck Shinawatra vừa bị cách chức sau một phán quyết gây tranh cãi của Tòa án Hiến pháp hồi đầu tháng 5, khiến những người ủng hộ bà tức giận.
Học giả David Streckfuss nói: "Cuộc đảo chính cho thấy thất bại của toàn bộ giới lãnh đạo cấp cao vì không tìm được cách điều chỉnh để thích nghi với các lực lượng dân chủ mới ở Thái Lan".
Tình trạng bất ổn do các cuộc biểu tình phản đối kéo dài 7 tháng qua đã khiến 28 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương.
Hiện ai đang nắm quyền điều hành đất nước? Mọi quyền hành tại Thái Lan đang nằm trong tay "Hội đồng Duy trì Trật tự và Hòa bình Quốc gia" bao gồm những người đứng đầu các nhánh của lực lượng cảnh sát và các lực lượng vũ trang Thái Lan. Người nắm quyền cao nhất trong hội đồng này là Tướng Prayuth Chan-ocha - vị Tư lệnh Lục quân theo đường lối cứng rắn và là một người trung thành ủng hộ chế độ quân chủ.
Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha (giữa) đã tự phong quyền Thủ tướng.
|
Pavin Chachavalpongpun, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto, nói: "Prayut không chỉ là một người chống lại ông Thaksin, chống lại phe Áo Đỏ, ông còn là một người ủng hộ chế độ quân chủ".
Theo các nhà quan sát, các cuộc đảo chính theo cách thông thường tại Thái Lan cần có sự chấp thuận của hoàng gia, song hiện vẫn chưa rõ liệu lần này có như vậy hay không. Một số chuyên gia cho rằng một cuộc đấu tranh đang dần hiện ra nhằm quyết định xem ai sẽ điều hành đất nước khi triều đại kéo dài 60 năm qua của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, 86 tuổi, chấm dứt.
Cuộc đảo chính ảnh hưởng gì tới các quyền tự do của người dân?Quân đội hạn chế các quyền tự do của người dân, áp đặt lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối tới 5 giờ sáng hôm sau, cấm tụ tập trên 5 người vì "mục đích chính trị" và đình chỉ phần lớn Hiến pháp.
Tất cả các đài truyền hình và phát thanh buộc phải ngừng phát sóng các chương trình hàng ngày và chỉ phát những tin do quân đội đưa ra.
Sau cuộc đảo chính, quân đội cũng nhắc lại tuyên bố tình trạng thiết quân luật được Tướng Prayuth Chan-ocha đưa ra cách đây hai ngày. Theo đó, những nhà chức trách hạn chế việc tụ tập và các hoạt động công cộng, có quyền giam giữ người bị tình nghi tới 7 ngày, được tiến hành lục soát, tịch thu phương tiện và hạn chế hoạt động của giới truyền thông.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?Quân đội không cho biết họ sẽ nắm quyền kiểm soát trong bao lâu, song nói rằng quân đội nắm quyền "để bắt đầu cải cách chính trị" - yêu cầu hàng đầu của những người biểu tình thuộc phe đối lập.
Mặc dù đình chỉ Hiến pháp, song quân đội vẫn cho phép Thượng viện tiếp tục hoạt động. Đây là dấu hiệu cho thấy tiếp theo Thượng viện sẽ tiến hành thủ tục bầu một nhà lãnh đạo mới.
Các chuyên gia làm việc tại Cơ quan Tình báo Siam - một tổ chức độc lập tại Bangkok - dự đoán rằng Thủ tướng mới, có thể là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan hoặc Cố vấn Hoàng gia Palakorn Suwanrath, sẽ được Thượng viện bổ nhiệm trong vài ngày tới. Chính phủ quân sự mới tại Thái Lan sau đó có thể tiếp tục điều hành đất nước trong 1 đến 2 năm để bản Hiến pháp mới được soạn thảo. Theo viễn cảnh này, Thái Lan sẽ gần trở lại yên ổn, song bạo lực có thể nổ ra nếu phe Áo Đỏ ủng hộ chính phủ tiếp tục chống đối. Trong một ghi chép ngắn gọn, các chuyên gia này nói: "Viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra là một cuộc nội chiến kéo dài giống như tình trạng bạo động đang diễn ra ở các tỉnh cực Nam của Thái Lan".
TTK (theo AFP)