Trong một tuyên bố được toàn bộ 15 nước ủy viên đồng thuận tại cuộc họp khẩn về điểm nóng xung đột mới này, HĐBA "bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký (TTK) Antonio Guterres rằng các bên cần lập tức chấm dứt giao tranh, giảm căng thẳng và nhanh chóng quay lại đàm phán". Các nước ủy viên HĐBA cũng "kịch liệt lên án việc sử dụng vũ lực và lấy làm tiếc về việc có dân thường thương vong" trong những ngày qua.
Tuyên bố của HĐBA cũng bày tỏ lo ngại về "những thông tin cho thấy các hành động quân sự quy mô lớn dọc Ranh giới Tiếp xúc" trong khu vực xung đột. HĐBA khẳng định "hoàn toàn ủng hộ" vai trò trung tâm của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk (gồm Mỹ, Nga và Pháp) thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) trong nỗ lực làm trung gian hòa giải. Tuyên bố cũng kêu gọi tất cả các bên phối hợp chặt chẽ với các đồng chủ tịch để "nhanh chóng nối lại đối thoại vô điều kiện".
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan bùng phát ngày 27/9 liên quan khu vực Nagorny-Karabakh bước sang ngày thứ 4, trong đó hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng pháo hạng nặng. Theo thống kê, ít nhất 95 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, trong đó có 11 dân thường.