Xung đột Syria chưa có hồi kết trước sự can dự của nhiều quốc gia bên ngoài

Ngày 17/12, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Syria, ông Geir Pedersen cảnh báo cuộc xung đột tại nước này vẫn chưa đến hồi kết khi những cuộc đụng độ giữa các phe phái và sự can thiệp của các nước vẫn đang tiếp diễn.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau loạt không kích của không quân Israel nhằm vào các mục tiêu lãnh thổ Syria, ngày 10/12/2024. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo ông Pedersen, việc lực lượng đối lập do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lật đổ Chính quyền của ông Bashar al-Assad dường như chỉ là một khởi đầu mới tại Syria.

Xung đột giữa các lực lượng do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn

Ông Geir Pedersen nói rằng: "Đã có những hành động thù địch đáng kể trong 2 tuần qua, trước khi lệnh ngừng bắn được đàm phán... Lệnh ngừng bắn kéo dài 5 ngày, hiện đã hết hạn và tôi thực sự lo ngại về các báo cáo về leo thang quân sự. Sự leo thang như vậy có thể gây ra thảm họa."

Phát biểu của đặc phái viên LHQ đang nhắc đến cuộc giao tranh giữa Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, được Mỹ hậu thuẫn với các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Các nhóm do phía Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã chiếm được một số thị trấn của người Kurd trong những tuần gần đây.

Sau các vụ đụng độ trên, Washington tuyên bố đã làm trung gian để gia hạn lệnh ngừng bắn tại thị trấn điểm nóng Manbij và đang tìm kiếm sự đồng thuận với Ankara trong giải quyết tình hình.

Việc gia hạn diễn ra trong bối cảnh lo ngại về một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào thị trấn biên giới Kobane, còn được gọi là Ain al-Arab, do người Kurd kiểm soát.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, thủ lĩnh SDF Mazloum Abdi đã đề xuất thành lập một khu vực phi quân sự ở Kobane dưới sự giám sát của Mỹ.

Washington coi SDF là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến liên tục chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, nhưng chính quyền mới ở Damascus nói rõ họ phản đối việc người Kurd tiếp tục tự trị ở Đông Bắc.

Trong cuộc phỏng vấn với AFP vào ngày 17/12, lãnh đạo của HTS Murhaf Abu Qasra cho biết các khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria sẽ được sáp nhập và chịu sự quản lý, lãnh đạo của chính quyền mới. Ông Murhaf Abu Qasra nói: "Người Kurd là một phần của nhân dân Syria... Syria sẽ không bị chia cắt và sẽ không có thực thể liên bang nào".

Israel tấn công, chiếm đóng lâu dài khu vực Cao nguyên Golan

Ông Abu Qasra cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm giải pháp để ngăn chặn các cuộc không kích liên tiếp của Israel vào các mục tiêu quân sự và xâm nhập vào vùng đệm do LHQ quản lý tại Cao nguyên Golan. Trước đó, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào các cơ sở quân sự của Syria kể từ khi Tổng thống Assad bị lật đổ với lý do là nhằm ngăn chặn chúng rơi vào tay kẻ thù. Ngoài ra, quân đội Israel cũng chiếm đóng các vị trí chiến lược trong vùng đệm do lực lượng của LHQ quản lý - một động thái mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mô tả là vi phạm hiệp định đình chiến năm 1974.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz, vào ngày 17/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tổ chức một cuộc họp báo an ninh tại đỉnh núi cao nhất của Syria, núi Hermon, một trong những khu vực thuộc vùng đệm mà Israel đã chiếm giữ vào đầu tháng. Văn phòng của Bộ trưởng Katz cho biết ông Netanyahu đã đến thăm các tiền đồn trên đỉnh núi Hermon lần đầu tiên kể từ khi chúng bị quân đội chiếm giữ.

Tình trạng người dân Syria hồi hương và chạy trốn hàng loạt

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan di cư của LHQ, Amy Pope, đã cảnh báo về làn sóng hồi hương hàng loạt của người tị nạn ở các nước quay trở về Syria. Bà cũng nhấn mạnh việc hàng loạt người trở về cũng có thể khiến đất nước thêm bất ổn.

Ở chiều ngược lại, bà Amy Pope nói rằng việc HTS lên nắm quyền cũng đã khiến hàng chục nghìn người đã phải chạy trốn khỏi Syria, đặc biệt là những nhóm tôn giáo thiểu số. Trong đó, thành viên của nhóm thiểu số Hồi giáo Shiite đã chạy trốn vì lo ngại về mối đe dọa có thể xảy ra.

Có nguồn gốc từ nhánh khủng bố Al-Qaeda tại Syria, HTS bị một số chính phủ phương Tây coi là tổ chức khủng bố, mặc dù nhóm này đã tìm cách kiềm chế ngôn từ và cam kết bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trong nước.

Hy vọng mới cho người dân tại Syria

Pháp đã cử một phái đoàn tới Damascus do đặc phái viên Jean-Francois Guillaume dẫn đầu. Ông Guillaume cho biết Pháp đang chuẩn bị sát cánh cùng người dân Syria trong suốt quá trình chuyển giao. Trong một động thái rõ ràng hơn, nhiều người đã chứng kiến là cờ Pháp lần đầu tiên được kéo lên ở sảnh vào của Đại sứ quán nước này tại Syria kể từ năm 2012.

Video cờ Pháp được kéo lên tại Đại sứ quán nước này tại thủ đô Damacus, Syria. Nguồn: Reuters.

Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết một phái đoàn Anh cũng đã đến thăm Damascus trong tuần này để gặp gỡ chính quyền lâm thời mới của Syria .

Ông Abu Mohammed al-Jolani, người đứng đầu HTS, đã nhấn mạnh trong cuộc họp với phái đoàn Anh rằng cần phải chấm dứt mọi lệnh trừng phạt áp dụng đối với Syria để người tị nạn Syria có thể trở về nước. Trước đó, Syria đã chịu lệnh trừng phạt quốc tế dưới thời Tổng thống Assad.

Ông cũng cho biết các phe phái nổi dậy của Syria sẽ bị giải tán và các chiến binh sẽ được đào tạo để gia nhập hàng ngũ của Bộ Quốc phòng mới.

Bên cạnh đó, Bộ ngoại giao Đức cho biết các nhà ngoại giao nước này đã có cuộc hội đàm với chính quyền mới của Syria tại Damascus vào ngày 17/12. Cùng trong ngày này, Đại sứ quán Qatar tại Syria cũng hội đàm với chính quyền mới của Syria tại Damascus.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo France24)
Những nước nào đang định hình vận mệnh Syria?
Những nước nào đang định hình vận mệnh Syria?

Được xem như một điểm nóng địa chính trị, Syria trở thành chiến trường "không tiếng súng", nơi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng thông qua các chiến lược ngoại giao, quân sự và kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN